Còn e ngại do người phải thi hành án là "cấp trên"
Báo cáo kết quả triển khai Luật TTHC và Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cho biết, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến luật cũng như việc chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cơ quan hành chính và các cơ quan tổ chức trên địa bàn được triển khai một cách nghiêm túc, bài bản.
Kết quả thi hành án hành chính từ ngày 1/7/2011 đến ngày 15/3/2013 là 137 việc, trong đó đã chủ động thi hành là 135 việc, thi hành theo đơn 2 việc; kết quả đã thi hành xong 129 việc, thu số tiền trên 96 triệu đồng.
"Các bản án, quyết định hành chính do Tòa án chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) để thi hành các khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước đều được các cơ quan THADS trên địa bàn thụ lý, ra quyết định và tổ chức thi hành đúng pháp luật", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn nổi bật, theo Giám đốc Sơn là "chấp hành viên còn tâm lý e ngại do người phải THA là UBND cùng cấp (cơ quan chỉ đạo về công tác THADS tại địa phương- Ban chỉ đạo THADS)". Thêm vào đó, số việc đôn đốc THA hành chính chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các việc khác, song việc đôn đốc thi hành trên thực tế hiệu quả chưa cao, còn phụ thuộc vào sự tự nguyện của cơ quan hành chính nhà nước. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì chưa có quy định về chế tài xử lý.
Vấn đề này, UBND TP. Hà Nội đề nghị sửa đổi Luật TTHC theo hướng trong trường hợp người phải THA là UBND cấp huyện thì giao thẩm quyền cho Cục THADS cấp tỉnh; quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người phải THA là cơ quan hành chính (UBND) cố tình không thi hành. Đồng thời bổ sung quy định về gửi bản án, quyết định hành chính của Tòa án cho UBND cấp tỉnh (hoặc Sở Tư pháp).
Chung ý kiến, Cục THADS TP. đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TTHC để việc đôn đốc THA hành chính đạt hiệu quả.
Chia sẻ với khó khăn của UBND TP. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn chia sẻ "việc xử lý với trường hợp không thi hành đúng là khó khăn vì pháp luật chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền...". Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng cũng cho biết, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp, vấn đề nói trên sẽ được xem xét, tiếp thu.
Cần thay đổi thói quen của người dân
Dẫn ra rất nhiều vụ khiếu nại phức tạp mà TP đã phải giải quyết mất nhiều công sức, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh "đúc rút": “Hiện nay, người dân khiếu nại vẫn chủ yếu theo con đường hành chính mà không lựa chọn giải quyết qua con đường Tòa án. Nhiều vụ thành phố đã giải quyết hết thẩm quyền mà dân vẫn khiếu nại lên cao hơn, lý do là hiện Luật TTHC đã quy định trách nhiệm của nhà nước nhưng lại chưa quy định trách nhiệm người dân".
Do vậy, theo Phó Chủ tịch "phải quy định về cơ chế xử lý", đồng thời, "đã giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho UBND thì phải quy định rõ cơ chế, điều kiện thực hiện" và cam kết "UBND TP sẽ không bao che cho cấp dưới nếu không THA".
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong việc triển khai Luật TTHC. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh cần đẩy mạnh các công tác tuyên truyền để Luật thực sự đi vào cuộc sống, thay đổi thói quen khiếu nại của người dân chỉ đến các cơ quan hành chính mà nên thông qua giải quyết tại Tòa án.
Về chức năng quản lý nhà nước, Thứ trưởng nhấn mạnh "cần xác lập cơ chế phối hợp, mà cơ chế này phải bắt đầu từ Tòa án, anh xử thế nào phải có thông tin về UBND.TP để UB biết ai phải thi hành, thi hành như thế nào”?. “Việc phối hợp này có thể bằng Thông tư liên ngành", Thứ trưởng gợi ý.
Triển khai Luật TTHC là nhiệm vụ mới nên không tránh khỏi lúng túng, do đó Thứ trưởng đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn trong khi chờ Thông tư mới được ban hành.
Theo Thu Hằng (Pháp luật Việt Nam)