Không biết từ bao giờ câu chuyện thưởng tết lại xuất hiện như một lẽ hiển nhiên mỗi dịp xuân về.
Mặc dù thưởng Tết không có trong quy định cứng của Luật Lao động thế nhưng nó lại trở thành nhu cầu và quyền lợi "bất thành văn" của mọi người sau 365 ngày miệt mài cống hiến.
Người Việt nói chung và người lao động nói riêng luôn mong ngóng có một khoản tiền thưởng Tết kha khá để có thể "vung tay" mua sắm cho gia đình, người thân, hay đơn giản chỉ là có một cái Tết đủ đầy hơn cho bằng bạn bằng bè.
Điều đó chứng tỏ có một bộ phận người lao động đang sống trong cảnh khó khăn và chỉ trông chờ vào Tết để cầu mong may rủi.
Tôi nghe đâu có một ngân hàng ở TP.HCM thưởng tết bằng "lá vườn" hơn 1 tỷ đồng, lại có doanh nghiệp vùng đất Cố đô thưởng hàng trăm triệu đồng cho nhân viên khi nhận thấy chim én báo xuân sắp về.
Niềm vui chưa kịp ngấm, tôi lại được nghe câu chuyện người lao động tay trắng đã đành nay thêm "phát hờn" vì những món thưởng "cây nhà" như: Bít tất, chăn màn, gạch ngói, giấy vệ sinh, xà phòng, bột giặt, mì chính, nhang hương,…
Nhưng vẫn chưa đặc sắc bằng kế hoạch thưởng Tết "khủng" của một doanh nghiệp cho người lao động: "Cực phẩm" phân bón và thuốc trừ sâu!
Bức tranh thưởng Tết hàng năm vẫn đan xen những mảng màu sáng tối.
Dẫu biết rằng số phận người lao động phụ thuộc vào tấm lòng Mạnh Thường Quân của các doanh nghiệp thế nhưng họ sẽ phải làm gì với quà thưởng Tết "có tâm" là một thùng thuốc trừ sâu vừa thừa thãi vừa vô duyên?
Bán không ai mua, cho không ai lấy, thùng thuốc sâu được bọc giấy hồng đẹp mơ màng nằm nghiêm túc ở góc nhà chứng kiến cảnh pháo hoa phủ trắng những mái đầu lao động ước ao có một cái Tết đủ đầy.
Cả nhà 4, 5 miệng ăn, vừa ngồi đón giao thừa vừa ngồi nghĩ cách làm thế nào để "nuốt" trôi món quà đầy tâm huyết của doanh nghiệp.
Nhưng cũng nhờ đó mà anh em mới thấy được rằng mình có được vị lãnh đạo vừa có tâm lại có tầm, các "sếp" không chỉ nghĩ đến đời sống khốn khó của người lao động mà còn đau đầu trăn trở làm sao tiêu thụ hết hàng thùng thuốc trừ sâu nằm "nhe nhởn" trong kho tồn.
Tôi cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho chuyện thưởng Tết. Thưởng tết với người này là niềm vui song với người kia lại ứng đúng với câu nói "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Đầu xuân năm mới, ngồi điểm lại những câu chuyện hài hước xoay quanh vấn đề quà Tết mà thấy một nghịch lý rằng người lao động càng nghèo càng được thưởng "khủng".
Đành rằng câu chuyện làm ăn thua lỗ không đáng trách, người lao động cũng nên chia ngọt sẻ bùi với doanh nghiệp nhưng giá như trong năm ấy, doanh nghiệp cần kiệm hơn, bỏ bớt những khoản "ngoại giao" không cần thiết, có lẽ anh em lao động sẽ không phải nhận thuốc trừ sâu về ăn Tết.
Năm nào chúng ta cũng xì xào chuyện thưởng Tết nhưng dường như các năm đều có một mẫu chung không thay đổi.
Nhưng thôi, trong thời buổi đồng tiền đi liền khúc ruột thì làm sao có chuyện hưởng "sái" trái mùa, vậy nên chẳng ai bảo nhau đều tự ngẫm rằng:
Thời khốn khó là của xã hội đâu cứ riêng mình!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!