Đã từng cận kề giữa cái sống và sự chết, rồi lại được về nhà sống trong sự yêu thương của vợ, con và vẫn được cùng con chăm sóc mẹ già.. Lâm "già" đã hiểu thế nào là cái giá cho một hành trình lạc lối muốn kinh doanh bằng phương thức vũ lực giang hồ. Nhưng cái máu kinh doanh thì vẫn không hề mất đi.
Giang hồ đất Cảng một thời
Khi được mãn hạn tù, điều Lâm "già" vui nhất là được cùng vợ, con chăm sóc mẹ già những ngày tháng cuối đời; được nhìn thấy 3 cô con gái xinh xắn, trưởng thành, thông minh, biết cùng mẹ vượt qua cái bóng quá lớn của cha để sống... Hạnh phúc đó, không gì đánh đổi được. Bệnh lao vẫn đeo đuổi Lâm ngày một quyết liệt hơn.
Theo tính toán của gia đình, 1 tháng điều trị tiền thuốc cho Lâm hết 5 triệu đồng. Lâm tâm sự: Tôi mới ra tù, chưa làm gì được, ốm yếu liên miên. Bao năm ở trại, chẳng giúp gì được vợ, con, của nả cứ đội nón ra đi cùng với thời gian. Đó là lỗi của tôi. Khi về thì lại mang bệnh, để vợ con phải chăm sóc.
"Lúc vào trại, tôi cứ nghĩ thể trạng của mình yếu từ trước nên không quan tâm lắm. Những lúc đi khám sức khỏe định kỳ của trại viên, tôi cũng qua loa, không kê khai kỹ lưỡng. Khi sức khỏe cứ giảm, sốt cao mà uống thuốc kháng sinh không đỡ, ho ra máu, bác sỹ xét nghiệm bảo bị lao lực.
Từ đó, tôi mới tích cực điều trị và rất hay đeo khẩu trang để các bạn tù cùng phòng giam đỡ phần nào bị lây. Họ rất tốt, biết tôi có bệnh, tôi đề nghị họ xin chuyển phòng, không ai chuyển vì cho rằng, ở quen rồi... Họ làm cho tôi cảm động vô cùng", Lâm "già" kể lại.
"Vậy, tiền đâu chữa bệnh và duy trì cuộc sống?" - Tôi hỏi. Lâm thẳng thắn: "Tuy là dân giang hồ, ngày đó, tôi giúp được khá nhiều người. Khi tôi ở trại về, họ đến thăm và tự bày tỏ nguyện vọng, chi tiền giúp tôi chữa bệnh hàng tháng và đưa thêm cho tôi bằng số tiền chữa bệnh để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe. Con gái tôi đã lớn, chúng đủ thông minh, trưởng thành để lo lắng cho một người cha dù có tù tội nhưng hết lòng thương yêu chúng.
Có người bạn nói rằng: "Em tài trợ toàn bộ kinh phí để anh chữa bệnh. Khỏe thì đến công ty em làm, giúp em. Em cần cái đầu làm kinh tế của anh chứ không phải cái danh giang hồ của anh...". "Tôi không nhận tài trợ, cũng không hứa hẹn gì. Vì tương lai của tôi bây giờ do con và vợ quyết định" - Lâm nói.
Sáng ra, người vợ tần tảo của Lâm bán bún ngan ở đầu ngõ. Quán bún rất đông khách, tiền lãi cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình, chưa cần đến khoản hỗ trợ của con gái. Con gái hỗ trợ là của để dành.
Theo Lâm, hiện tại là như vậy nhưng tương lai sẽ rất khác, nếu sức khỏe được cải thiện. Lâm "già" tính toán, khi sức khỏe tốt hơn sẽ bán ngôi nhà mặt phố đang ở, mua một ngôi nhà ở ngoại ô hoặc nhỏ hơn trong ngõ. Số tiền dôi dư sẽ cho các con, để dành cho vợ và còn lại là để... kinh doanh.
Lâm nhìn nhận: "Thời buổi này, không biết kinh doanh thì không thể giàu được. Kinh doanh mặt hàng gì cũng có lãi, miễn là phải giữ chữ tín, thương hiệu và đúng luật".
Vũ Hoàng