Đây là một ý tưởng vô cùng độc đáo của nhóm sinh viên SIFE (một tổ chức phi Chính phủ về cộng đồng) của trường đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Trước đây, người chăn nuôi và nông dân, không hề biết, phân bò có hiệu quả kinh tế. Ai cũng nghĩ đơn giản rằng, phân bò dùng để bón cây trồng. Khi sử dụng phân bò làm thức ăn cho con giun quế thì đem lại hiệu quả kinh tế đến bất ngờ.
Ý tưởng đến... bất ngờ
Ý tưởng dùng phân bò làm thức ăn cho giun quế được thai nghén trong một lần cậu sinh viên năm thứ nhất trường đại học Kinh tế Quốc dân - Vũ Tú Nam cùng bạn bè đến tham quan tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Nhìn thấy bà con hàng ngày vẫn đổ hàng tấn chất thải - phân bò ra các con sông, suối làm ô nhiễm trầm trọng môi trường đã thôi thúc Nam và nhóm bạn tìm tòi, suy nghĩ.
Trong đầu Nam và các bạn cứ quẩn quanh suy tính, làm cách nào để giúp bà con giải quyết được tình trạng đổ phân, ô nhiễm môi trường? Sau thời gian dài "mang nặng đẻ đau", dự án nuôi giun quế giúp bà con cải thiện kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã ra đời.
Dự án này đã đoạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo E -Ideas 2011- cuộc thi Quốc gia nhằm tìm ra những ý tưởng sáng tạo vì môi trường tại Việt Nam.
Mô hình ban đầu của dự án được lựa chọn áp dụng tại một diện tích nhỏ ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội bởi đây là vùng chuyên chăn nuôi bò sữa với số lượng lớn nhưng nguồn thức ăn đầu vào cho bò lại thiếu hụt trầm trọng, nhất là các thức ăn dinh dưỡng giàu chất đạm.
Đặc biệt, địa hình và thổ nhưỡng nơi đây hoàn toàn phù hợp để cho giun quế phát triển. Theo thống kê mới nhất, hiện nay xã Phù Đổng có hơn 800 hộ dân chăn nuôi bò sữa với 1.814 con, cung cấp lượng sữa thành phẩm lớn cho các nhà máy chế biến sữa.
Theo ước tính, lượng phân do bò thải ra hàng ngày là hơn 27 tấn, một con số đáng báo động về tình trạng ô nhiễm trầm trọng môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân bản địa và các vùng lân cận.
Vũ Tú Nam - trưởng nhóm nghiên cứu dự án chia sẻ: "Với suy nghĩ biến dự án từ sách vở đi vào đời sống, giúp ích cho bà con nông dân nên chúng tôi đã chọn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội làm nơi áp dụng mô hình nuôi giun quế để tận dụng nguồn phân bò. Đó hoàn toàn là một mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Khoa học - Môi trường - Kinh tế. Vì theo tính toán, cứ 20m2 nuôi giun giải quyết được 450 kg phân bò / tháng. Đây được xem là một mô hình nghiên cứu sáng tạo giúp xử lí chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai một cách có quy mô. Dự án đi vào đời sống sẽ mang đến cho người nông dân một cách tiếp cận mới với vấn đề xử lí ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập từ những nguyên liệu sẵn có". |
Lúc đầu thực hiện dự án, nhóm sinh viên đến vận động và khuyến khích bà con tham gia dự án đã nhận được ánh mắt nghi ngờ, thiếu hợp tác. Ông Nguyễn Văn Viết (người nuôi bò sữa ở Phù Đổng) tâm sự: "Hôm đầu tiên, các bạn trẻ đến vận động tham gia dự án, tôi rất nghi ngờ, không tin rằng loại giun bé tý ấy lại có hiệu quả kỳ diệu đến như vậy.
Thấy các bạn sinh viên nhiệt huyết quá, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, quy trình cũng như tìm kiếm nguồn giống giun để nuôi thì tôi đã thử nghiệm. Không ngờ, hiệu quả thấy rõ chỉ sau một thời gian ngắn".
Ông Viết cũng là một trong những hộ gia đình tiên phong áp dụng mô hình nuôi giun quế vào sản xuất chăn nuôi. Nhờ đó, khối lượng phân mà 5 con bò của gia đình thải ra đã được sử dụng hết, không gây ô nhiễm môi trường, trở thành nguồn thức ăn lớn để nuôi giun. Và giun là chất đạm cần thiết cho bò. Còn chất thải của giun, ông Viết dùng để nuôi ba ba và bón cây. Ông Viết thừa nhận: "Sáng tạo của các bạn trẻ đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao và là một mô hình khép kín hoàn hảo."
Làm giàu nhờ... giun quế
Thấy hiệu quả của giun quế, ông Viết quyết tâm đầu tư vốn để mua giun quế giống ở Đông Anh (Hà Nội), triển khai nuôi trên diện tích khiêm tốn là 30m2.
Sau đó, ông Viết mở rộng diện tích lên đến 200m2. Ông Viết phấn khởi chia sẻ: "Nuôi giun quế ít tốn kém, chỉ đầu tư số vốn ban đầu là 6 triệu đồng nhưng hàng tháng đều cho ra sản phẩm và thu lợi nhuận. Tính tổng thu nhập bán giun thành phẩm có thể đạt hơn 5 triệu /tháng. Và hơn hết là đã tận dụng được nguồn phân bò có sẵn để nuôi giun, đồng thời lấy chất thải của giun để nuôi ba ba. Thịt giun để làm thức ăn cho bò. Tôi thấy đây là một mô hình rất hay, nên được mạnh dạn áp dụng rộng rãi hơn nữa.
Giun quế là loại ký sinh trùng đặc biệt, có đời sống thực địa với khả năng sinh sôi nhanh và dễ. Nuôi giun quế rất đơn giản, ít tốn kém. Từ những thành công ban đầu của dự án đã tiếp thêm động lực cho nhóm sinh viên của Nam thêm nhiều động lực sáng tạo.
Nam cùng các bạn trong dự án đã không ngại vất vả, đến từng hộ gia đình để nói về lợi ích của nuôi giun quế, vận động bà con nông dân nuôi bò mạnh dạn áp dụng mô hình của dự án để cải thiện môi sinh, nâng cao thu nhập.
Bạn Trịnh Minh Đức - thành viên của nhóm dự án trao đổi với chúng tôi trong hạnh phúc: "Ban đầu, cả nhóm sinh viên đã chia nhau đến tận từng hộ gia đình nuôi bò trong xã Phù Đổng để thuyết phục. Cái tâm lý ngại thay đổi, không dám đầu tư của người nông dân đã khiến nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Hi vọng trong thời gian tới, mô hình nuôi giun quế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ được tiến hành rộng rãi hơn, phổ biến hơn ở mọi nơi chứ không riêng gì ở Phù Đổng."
Phân giun, ngoài việc làm thức ăn cho ba ba thì còn làm phân bón cho trồng trọt rất tốt. Trong phân giun không có chất hóa học nên càng tốt cho môi trường, cây trồng (về vệ sinh an toàn thực phẩm). Các chất có trong phân hóa học khi vào đất, không phân hủy hết có thể gây ô nhiễm đất và tác động xấu đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cây trồng.
Những người dân xã Phù Đổng tham gia vào mô hình này có cơ hội nâng cao các hoạt động sản xuất của gia đình, có thêm việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao dần mức sống.
Bảo Hằng