Nghề làm đá mỹ nghệ cũng ra đời từ đó, từ sự học hỏi, tìm tòi kĩ thuật làm đá ở các địa phương khác nhiều người trong làng đã mạnh dạn đầu tư vốn vào cái nghề bám đầy bụi đá này. Cuộc sống của nhân dân ở nơi đây cũng đã có nhiều đổi khác.
Ban đầu chỉ có một đến hai xưởng sản xuất thì đến nay trên địa bàn xã đã có trên dưới vài chục xưởng, thu hút hàng nghìn lao động.
Công nhân ở các xưởng đá này không ai khác chính là những nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn.
Từ không biết gì về nghề, qua đào tạo và nhiều năm làm việc họ đã trở thành những người thợ có tay nghề cao. Công nhân làm việc không giới hạn trên địa bàn xã mà còn có công nhân từ các xã lân cận.
Anh Vũ Văn M., công nhân lành nghề tại một xưởng đá mỹ nghệ tâm sự: Nếu chỉ làm việc đồng áng thì chúng tôi không thể thoát nghèo được nhưng từ khi có cái nghề này, dù có vất vả nhưng điều kiện sống của gia đình cũng được cải thiện, có của ăn để.
Không những anh M., mà nhiều gia đình khác trong xã cũng đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên làm giàu. Điều đổi thay đó có thể thấy rõ khi nhìn vào điều kiện sinh sống của bà con trong xã. Nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện đáng kể.
Anh Lê Phương Đông, chủ một xưởng đá mỹ nghệ tâm sự: "Tôi thấy nhiều vùng ở Ninh Bình người ta làm giàu từ đá. Quê mình có nguồn nguyên liệu trời ban cho, vì sao lại không làm được?".
Từ suy nghĩ đó, anh Đông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với vốn sẵn có đầu tư máy móc, đào tạo thợ có tay nghề, vận động người trong làng làm nghề này.
Vũ Hậu