Thay vì bỏ ra tiền triệu để có thể thưởng thức món hồng treo gió trong sự thòm thèm, nhiều bà nội trợ Việt đã tự mình mày mò công thức. Cũng là một người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị Đoàn Huệ Anh (SN 1978), người Lạng Sơn năm nào cũng làm ít nhất một mẻ hồng treo gió để làm đồ ăn vặt cho người thân, bạn bè…
“Mùa hồng đúng vào mùa thu nên cái nắng, gió hanh hao của nó rất thích hợp để làm món hồng khô”, chị Huệ Anh tâm sự.
Sở thích này của chị không chỉ từ thói quen “mùa nào thức đấy” mà nó được truyền lại từ chính mẹ chị. Ngay từ những ngày nhỏ, chị Huệ Anh đã được thưởng thức thứ đồ ăn vặt đầy mê hoặc này.
Về công thức làm món hồng treo gió, chị Huệ Anh nói mình không có gì ngoài… kinh nghiệm. Chị làm thành công món này ngay từ lần đầu tiên, nhưng cũng không ít lần phải đổ cả đi vì thời tiết không thuận. Chính vì thế, điều kiện đầu tiên để có một mẻ hồng treo gió chính là thời tiết phải đảm bảo “nắng nhẹ, gió hanh” dài ngày.
Thế nhưng, một yếu tố vô cùng quan trọng cần lưu ý để món ăn vặt này không thất bại chính là khâu chọn hồng.
“Mình nên chọn loại hồng giòn, quả to, đều, vỏ có màu xanh ngả vàng, còn nguyên cuống. Các bà nội trợ có thể ưu tiên chọn hồng Bảo Lâm của Lạng Sơn (còn gọi là hồng ngâm), bởi loại hồng này thịt giòn, thơm, có cát, vị ngọt đậm và không có hạt. Khi phơi lên, hồng sẽ có hạt giả, không bị nhũn mà cắn sẽ sần sật như có miếng thạch ở trong”, chị Huệ Anh chia sẻ.
Chọn được hồng ngon, chị Huệ Anh mang rửa sạch, để ráo nước, dùng dao sắc gọt vỏ nhưng để nguyên cuống. Khi gọt xong, chị mang hồng treo lêo lên dây phơi.
Theo lời chị Huệ Anh, việc treo hồng không hề đơn giản. Với những người không có kinh nghiệm, quả hồng treo lên thường bị rụng cuống, rơi lịch bịch xuống đất. Việc hồng rụng cuống là bất lợi lớn để có thể hoàn thành trọn vẹn được mẻ hồng treo gió.
“Nếu để ý sẽ thấy trên cuống hồng có 2 cái ngạnh, mình buộc dây dưới 2 cái ngạnh đấy theo kiểu thắt nút thòng lọng. Khi cuống khô, dây sẽ thít chặt theo và không bị rơi. Trường hợp hồng bị rụng hẳn cuống khi phơi là do mua phải hồng đã hái lâu, không được tươi hoặc hồng đã ngâm nước”, chị Huệ Anh lưu ý.
Hồng treo gió là món ăn vặt khá cầu kỳ trong cách làm. Mỗi công đoạn đều có những cái khó riêng đòi hỏi người làm phải thật khéo léo. Trong đó, mát-xa hồng cũng là một trong những thao tác không dễ.
Mát-xa hồng sẽ giúp hồng dẻo hơn và tiết ra chất ngọt. Sau khi phơi được 2 nắng, quả hồng bắt đầu héo và khô lớp bên ngoài. Người làm dùng tay nhẹ nhàng nắn cho quả hồng mềm ra nhưng không được để vỡ lớp vỏ bên ngoài. Nếu vỡ, hồng rất dễ bị mốc.
Theo kinh nghiệm của bản thân, chị Huệ Anh thường đeo găng tay khi mát xa cho hồng để tránh mồ hôi dính vào sản phẩm gây mốc. Đặc biệt, khi mát-xa, chị Huệ Anh sẽ dùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa mân mê cho hồng mềm đều toàn thân.
Thông thường, món hồng treo gió có thể ăn được sau khi phơi tầm 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, chị Huệ Anh chia sẻ, nếu muốn để lâu, hồng cần được hong gió 4 -5 tuần, khi nào quả hồng se lại, chuyển sang màu vàng nâu đậm là được.
Chỉ mình mình “soán” ngôi hoa hậu trong gia đình nhỏ với đức lang quân và 2 con kháu khỉnh, chị Huệ Anh hay tự mày mò làm đồ ăn theo mùa. Với chị, việc tự tạo ra những món ăn không chỉ tốt cho sức khỏe gia đình mà còn là niềm vui. Mùa nào, chị cũng làm đủ thứ, từ bánh, mứt đến trồng hoa.
“Rõ là làm kế toán, nhưng niềm đam mê thì chẳng liên quan gì đến nghề”, chị Huệ Anh cười.
Mộc Miên