Việc lực lượng Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phá vỡ lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian ở Nagorno Karabakh vào cuối tuần qua đánh dấu một động thái nghiêm trọng của Ankara trong việc đi ngược lại ý muốn của Nga và gây ra một tháng 10 đẫm máu.
Sự công khai hỗ trợ người ủng hộ người Azerbaijan của Ankara trong cuộc chiến nhằm chiếm lại vùng đất Armenia được xem là một thách thức trơ trẽn đến quyền uy và sức mạnh của Nga mà bản thân Moscow có lẽ chưa lường trước.
Cuộc tấn công quân sự bất ngờ của Azerbaijan được phát động vào ngày 27 tháng 9 đã phá vỡ lệnh ngừng bắn do Nga hậu thuẫn. Về cơ bản, cuộc tấn công trên bộ đã gặp khó khăn do địa hình đầy thử thách và địa hình đồi núi mang lại lợi thế cho những người lính ở Karabakh.
Các lực lượng Azerbaijan phải vật lộn rất vất vả mới duy trì được các vị trí đã chiếm giữ dưới sự hỗ trợ hết sức từ các máy bay không người lái của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Cơn mưa pháo và tên lửa đã gây thương vong lớn.
Trong bối cảnh thiệt hại về nhân lực ngày càng tăng và sự phá hủy hàng loạt thiết bị của cả hai bên, cơ hội để đạt được một lệnh ngừng bắn là thực sự cần thiết.
Bước đột phá quan trọng
Đêm 8/10, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và các bên cùng đi đến thống nhất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa các Bộ trưởng ngoại giao của các nước này vào ngày hôm sau tại Moscow.
Cùng với Pháp và Mỹ, Nga là một trong những quốc gia đồng chủ trì của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) “Minsk Group”, tổ chức được trao quyền hòa giải xung đột Karabakh.
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov và người đồng cấp Armenia Zohrab Mnatsakanyan tổ chức tại Moscow vào ngày 9 /10 với mục đích hướng đến là “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo”.
Sau cuộc họp kéo dài 10 giờ do Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov chủ trì, các quan chức Armenia và Azerbaijan đã đi đến đồng thuận chấm dứt các hành vi thù địch và điều này có hiệu lực vào trưa ngày 10 tháng 10. Mặc dù không phải là một lệnh ngừng bắn chính thức nhưng thỏa thuận ngừng bắn là một bước đột phá quan trọng.
Đây cũng là một bước đột phá đối với Nga khi điều này giúp Nga giành lại quyền kiểm soát và làm chủ tình hình trong khi gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi tiến trình ngoại giao.
Theo thỏa thuận, các bộ trưởng Armenia và Azerbaijan đã đồng ý cam kết: chấm dứt các hành động thù địch; cam kết tổ chức các cuộc đàm phán thêm về các chi tiết cụ thể của lệnh ngừng bắn.
Thế khó của Nga
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực ngoại giao của Nga, thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại cuộc gặp cấp cao ở Moscow chỉ phát huy hiệu quả trong chưa đầy 3 tiếng đồng hồ. Đến chiều ngày 10/10, các lực lượng của Azerbaijan bị cáo buộc nối lại các cuộc tấn công bằng máy bay bằng máy bay không người lái vào các khu vực ở phía bắc và phía tây nam Karabakh với ý định phá hủy các đơn vị thiết giáp và hệ thống phòng không bên trong Nagorno-Karabakh. Sau đó, hai bên đã tăng cường các hoạt động chiến đấu, trong đó có việc nối lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo.
Ngoài việc Azerbaijan và Armenia cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, thì trở ngại lớn hơn đối với thỏa thuận này đến từ Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Baku thực hiện các cuộc tấn công.
Lệnh ngừng bắn đã thất bại ngay từ khi bắt đầu vì một số lý do.
Trước hết, việc thiếu những yếu tố ràng buộc khiến các bên không sẵn sàng hợp tác. Thứ hai là có rất ít đòn bẩy và quan trọng hơn, là thiếu lệnh trừng phạt phía sau nỗ lực của Nga để buộc các bên tham chiến phải thay đổi lập trường từ xung đột sang nối lại hoạt động ngoại giao. Không có dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng trừng phạt Amernia hoặc Azerbaijan nếu hai bên vi phạm lệnh ngừng bắn. Đây là lý do khiến Moscow khó thuyết phục Baku hoặc Yerevan ngừng tấn công.
Lâu nay Nga vẫn giữ vai trò trung gian trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Nga đã ký hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia nhưng vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan, thậm chí còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho cả hai nước.
Với Armenia, dù có một liên minh quân sự mạnh mẽ với Nga, giống dạng thức của các đồng minh trong NATO và có khoảng 2.500 binh sỹ Nga đồn trú trên lãnh thổ nước này, song luôn tự nhận thấy khó có thể lôi kéo Nga về phía mình trừ khi Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực.
Theo giới chuyên gia, Nga đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Nếu cố gắng ép Azerbaijan tham gia thỏa thuận ngừng bắn nhằm duy trì lợi thế cho Armenia như trong quá khứ thì có thể khiến Baku rơi vào tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Moscow đứng ra hỗ trợ quân sự cho Armenia điều này có thể phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp mà Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây dựng trong thời gian qua, vốn mang lại cho Moscow nhiều lợi ích về kinh tế và địa chính trị. Trong trường hợp xấu nhất, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào một cuộc chiến tranh thảm khốc.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ thái độ quyết liệt hơn đối với cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Nhờ sự hậu thuẫn của Ankara, Baku đã mở rộng quy mô các cuộc tấn công.
Không chỉ sử dụng máy bay không người lái có vũ trang mà Azerbaijan còn triển khai cả tiêm kích hiện đại F-16 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp để tấn công và tiến hành các cuộc tuần tra trên không.
Cho đến nay chưa có những dấu hiệu cho thấy Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ muốn rút lui khỏi các cuộc xung đột.
Khả năng đối đầu của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ
Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quyết đi con đường riêng, phản đối thỏa thuận ngừng bắn do nhóm Minsk đã đặt ra và đứng về phía Azerbaijan cũng như can dự vào xung đột Nagorno-Karabakh có thể đưa ông Erdogan vào thế đối đầu với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Putin từng lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê từ Syria sang giúp quân đội Azerbaijan đánh Armenia.
Ông Erdogan cũng hứng sự bất mãn của nhiều nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus - nước đang cố chặn ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải.
Các nước đối đầu với ông Erdogan ở khu vực dường như đã tìm được tiếng nói chung với một số nước châu Âu. Ai Cập, Israel, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp đã tăng cường hợp tác chiến lược về một số sáng kiến, trong đó có khai thác tài nguyên khí đốt ở đông Địa Trung Hải, gạt Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên.
Pháp ủng hộ sáng kiến năng lượng này. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng ngầm ủng hộ sáng kiến này, theo CNN.
Ngay cả Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn từng có quan hệ tốt với ông Erdogan gần đây có vẻ đứng về phía các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông “quan ngại sâu sắc” với các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải. Tháng trước, Mỹ cũng thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập niên qua với Cộng hòa Cyprus.