Hoại tử ngực vì silicon
Theo bác sỹ Trần Văn Dương – Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, thì trong cuộc phẫu thuật này các bác sỹ đã phải cắt lọc silicon hai bên ngực và vạt da, tạo hình mảng da ngực bị hoại tử rất lớn của chị H.T.U. (27 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi). Trước đó, ngày 11/12, chị U. được bác sỹ Dương cùng phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hành, tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Hùng – phụ trách khoa phẫu thuật thẩm mỹ tiến hành phẫu thuật cắt lọc nhiều mảng silicon đã bám dính, lan rộng ra nhiều vị trí ở ngực, khiến một phần cơ ngực lớn nhanh, nhánh mạch máu ở ngực bị xơ hóa, có chỗ mạch máu bị tăng sinh thành mạng lưới.
Bác sỹ Dương cho biết, trong ca phẫu thuật, các bác sỹ mất 6 giờ để cắt lọc, loại bỏ hơn 90% silicon (nặng hơn 1kg, chưa kể phần ở cổ chưa bóc tách) dính bám ở ngực. Sau khi bóc tách silicon và loại bỏ da bị hoại tử, thành ngực hai bên của nạn nhân bị hở lớn nên các bác sỹ phải tiếp tục lấy da hai bên đùi (diện tích 26x24cm) của bệnh nhân đắp lên ngực, rồi khâu nối mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, vạt da được ghép sống hoàn toàn. Đây cũng là lần đầu tiên bác sỹ Dương phẫu thuật ghép da cho một bệnh nhân bơm ngực silicon bị hoại tử da ngực rộng đến vậy.
Chị M. bị mất một bên ngực vì silicon.
Trao đổi với PV, chị U. cho biết, năm 2011 chị đến một thẩm mỹ viện ở TP.HCM để tìm hiểu về việc nâng ngực. Vì muốn có bộ ngực đẹp hơn, mà lại không muốn bị can thiệp bằng dao kéo, nên chị U. đã lên mạng tìm hiểu rất kỹ, và biết không nên nâng ngực bằng phương pháp chích silicon. Tại trung tâm thẩm mỹ, chị được vị bác sỹ khẳng định không phải chích silicon mà là chất làm đầy, sau 1 – 1,5 năm chất này sẽ tan. Tin vào lời bác sỹ, chị U., đồng ý chích chất làm đầy này 4 lần, tổng số tiền 24 triệu đồng. Người nào muốn ngực to hơn thì chích nhiều hơn, số tiền lên tới 40 – 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, hơn một năm sau khi chích, chị U. thấy ngực có dấu hiệu đỏ lên, nhưng do đang mang thai nên chị chưa thể đi điều trị. Một thời gian sau, thấy tình hình càng nghiêm trọng hơn, chị đến bệnh viện Chợ Rẫy khám, và được mổ lấy ra một phần silicon ở ngực. Tuy nhiên, ngực chị vẫn đỏ và cứng lại nên đầu tháng 12/2013 chị quay lại bệnh viện khám lần nữa. Tại đây, các bác sỹ khoa Chấn thương chỉnh hình và khoa Phẫu thuật chỉnh hình thăm khám, hội chẩn và thống nhất phương án phẫu thuật.
Chị U. không phải là nạn nhân duy nhất bị hoại tử da ngực vì bơm silicon. Trước đó, chị L.T.M.P. (35 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) phải nhập viện cấp cứu tại Trưng Vương TP.HCM trong tình trạng sốt, có khối viêm nề và bị hoại tử da ngực phải. Các bác sỹ đã phải tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu ổ áp xe. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không thể phục hồi hình dáng ngực phải như lúc đầu. Trước đó, chị P. cũng chích silicon lỏng vào hai bên ngực tại nhà một người chuyên chích silicon với giá 3 triệu đồng. Hay chị T.M. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sau khi bơm silicon hai bên ngực, một bên bị vỡ túi silicon khiến ngực chị bị hoại tử hoàn toàn, một bên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những nguy cơ “chết người”
Phẫu thuật thẩm mỹ là con dao hai lưỡi khiến nhiều người phải khổ sở vì nó. Trong những năm gần đây, nhiều người sử dụng chất làm đầy trong việc làm đẹp. Tuy nhiên, một số biến chứng của loại chất tưởng chừng như không nguy hiểm này cũng gây ra một số hậu quả nghiêm trọng. Gần đây, vì tin lời quảng cáo nhiều phụ nữ sử dụng chất làm đầy hay còn gọi là filler để làm đẹp.
Bác sỹ Hồ Quang Anh, chuyên gia tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ tại TP.HCM cho biết, chất làm đầy thật ra đã khá quen thuộc trong việc làm đẹp cho phụ nữ, nó thường được dùng cho các phẫu thuật bơm môi, nâng ngực... Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm dưới da với mục đích làm phẳng da, hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, thường khoảng 6 tháng đến 3 năm. Riêng mỡ tự thân có thể tồn tại lâu hơn, muốn duy trì kết quả cần phải tiếp tục điều trị giá mỗi lần thực hiện khoảng 500-1000 USD (từ 10-20 triệu đồng). Đặc biệt cách làm đẹp này không để lại dấu vết trên thân hình, gương mặt phái đẹp”.
Chất làm đầy này được ví như tiên dược. Nó được đưa vào cơ thể bằng những mũi kim siêu nhỏ để xóa nhăn, nâng mũi, tạo hình cằm, nâng ngực, độn mông. Và nó được quảng cáo một cách rất hào nhoáng như không phẫu thuật, không gây đau đớn, không biến chứng, nên dễ được nhiều người mù quáng tin theo. Theo tìm hiểu của PV, khi tiêm chất làm đầy cũng có những trường hợp gây ra phản ứng khá nghiêm trọng như: Liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng sử dụng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, gây biến chứng khi tiêm một lượng lớn để nâng ngực, độn mông, ngoài ra thuốc cũng gây sốc, cũng có thể gây tử vong. Bởi dù là một loại làm đẹp an toàn nhất vẫn có thể gây ra một số tai nạn không như ý muốn.
Hiện nay, không ít các trung tâm thẩm mỹ viện lừa gạt bệnh nhân để tiêm silicon thay cho chất làm đầy. Nhiều người vì không biết lại tin tưởng vào bác sỹ nên đã làm theo. Trong khi đó, nếu tiêm trực tiếp silicon vào cơ thể gây ra khá nhiều tác hại, tùy theo mức độ nạn nhân có thể bị viêm tấy tại chỗ sau khi tiêm do phản ứng của cơ thể với dị vật hoặc viêm loét, áp xe vùng bơm silicon. Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh-Pôn cảnh báo: “Biến chứng sớm nhất sau khi tiêm silicon là tắc mạch ở não, thận, phổi, gan, ruột... nên dễ dẫn đến tử vong. Muộn hơn là nhiễm trùng biến dạng vùng ngực, mông hoặc bị rò rỉ chất lỏng gây viêm loét và xơ vón. Không những thế silicon lỏng có thể hòa vào mô thậm chí gây ra ung thư”.
Tùy vào mức độ mà xử phạt thích đáng Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc điều hành Hãng luật giải phóng (TP.HCM) cho biết: “Đầu tiên, phải xét trên yếu tố là thẩm mỹ viện đó có được cấp phép hay không. Nếu được cấp phép và không gây ra thiệt hại nghiêm trọng khiến nạn nhân tử vong thì sẽ bồi thường về mặt dân sự. Tùy vào tình hình thực tế, phí điều trị chữa bệnh của nạn nhân mà các trung tâm thẩm mỹ viện sẽ có mức bồi thường thỏa đáng, bên cạnh đó sẽ bồi thường thêm số tiền tổn thất tinh thần, bị mất việc... những thiệt hại chứng minh được. Còn nếu thẩm mỹ viện không phép, lại gây ra tử vong cho người đi phẫu thuật thẩm mỹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. |
Hương Lan - Hợp Phố