'Làm nghề y, tiền dày thì đức sẽ mỏng'

'Làm nghề y, tiền dày thì đức sẽ mỏng'

Thứ 5, 31/10/2013 19:40

Mặc dù sắp bước sang tuổi 80, nhưng sự nhiệt huyết với nghề trong con người bác sĩ Nguyễn Trọng Thanh – cố vấn chuyên môn bệnh viện Phụ sản Hà Nội chưa khi nào thấy già. Hễ trò chuyện cùng ông là lại thấy ông thở dài, trăn trở về nghề, về y đức ngày nay.

“Nhiệm vụ của thầy thuốc là đến bên người bệnh”

Là một chuyên gia sản khoa có tên tuổi tại Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao nhưng hiện bác sĩ Nguyễn Trọng Thanh vẫn tham gia tư vấn chuyên môn cho bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ông cũng từng là một trong số ít những bác sĩ ở Việt Nam thường xuyên được mời đi giải quyết những ca khó về biến chứng nguy hiểm sản khoa ở trong nước. Mặc dù học chuyên sâu về sản khoa nhưng chẩn đoán bệnh và phẫu thuật ở ngoại khoa cũng hiếm người nào vượt ông về chuyên môn.

Ông nói, làm nghề bác sĩ phải luôn luôn học hỏi, tìm tòi, không được bằng lòng về bản thân. “Bàn tay, kinh nghiệm chẩn đoán lâm sàng rất quan trọng. Phải xác định bệnh đúng, chính xác thì mới có phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Vì thế những kỹ năng đó phải thường xuyên được rèn luyện, trau dồi”, ông nói.

Ông kể, những năm tháng làm việc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn đủ bề, đến phẫu thuật cũng không có điện phải dùng ánh đèn măng – xông để thay thế, nhưng ông và đồng nghiệp luôn nỗ lực hết mình, tìm mọi cách để cứu chữa cho bệnh nhân. 

Xã hội - 'Làm nghề y, tiền dày thì đức sẽ mỏng'

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thanh.

Ông nhớ lại, môt lần ông trực tiếp phẫu thuật cứu sống một sản phụ bị nhiễm trùng huyết. Sau khi đã qua cơn thập tử nhất sinh, ông bố của sản phụ đã đạp xe từ dưới quê lên để cảm ơn bác sĩ. Người đàn ông này có mua biếu tặng ông một bao thuốc lá, ông vui vẻ nhận món quà giản dị đó. Nhưng khi vị khách này đi khỏi, bác sĩ mới tá hỏa vì mở bao thuốc lá ra thấy trong đó có tiền. Ông vội vàng đuổi theo và đùn đẩy nhau mãi ở trước cổng bệnh viện. Ông giải thích với ông bố đó rằng, đó là trách nhiệm của người bác sĩ, cứu sống người bệnh không phải để nhận lời cảm ơn, nhận những món quà. Nói qua nói lại, cuối cùng người đàn ông này nhận lại tiền và xin phép cho con gái mình nhận ông làm bố nuôi.

“Hơn 30 năm rồi, chúng tôi vẫn qua lại với nhau như ruột thịt. Ngày vợ tôi mất, vợ chồng con cái chúng nó về cũng lo tang lễ, chít khăn tang như chính mẹ của mình. Tôi hiện cũng có hai người con nuôi khác, họ chính là những bệnh nhân được tôi cứu sống. Tình cảm ấy, không có gì có thể sánh được”, ông tâm sự.

Theo bác sĩ Thanh, khi mới bước vào đời, các bác sĩ trẻ tuổi ngày nay luôn tìm mọi cách để vào được các bệnh viện lớn. Họ phải “đầu tư” một khoản tiền khá lớn để vào được vị trí đó. Rồi họ tìm mọi cách để “hoàn vốn” ở chính sự bất hạnh của những người bệnh chẳng may cần sự giúp đỡ của người bác sĩ. Chưa khi nào, sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân lại trở thành mặt hàng kiếm lợi đáng sợ như hiện nay. Những phong bì đó, được người nhận thản nhiên bỏ túi và cho rằng đó chỉ là “lời cảm ơn nhỏ nhoi”. Đúng là nó nhỏ bé với một vị bác sĩ nhà lầu xe hơi, nhưng với bệnh nhân đó, có thể là đàn lợn, con trâu – những công cụ kiếm cơm duy nhất; có thể là tương lai, ước mơ con cháu họ phải khép lại; hoặc có thể là căn nhà duy nhất có chỗ che mưa, che nắng.

Ông đắng lòng nói: “Ngày nay, phần lớn các bạn trẻ chọn ngành y không phải vì yêu thích, không phải vì mong muốn cứu chữa bệnh nhân. Mà họ coi đó là một ngành “hái ra tiền”.

Có lẽ cũng chính từ những ý niệm chọn nghề đó, nên khi bước vào nghề, người làm nghề y đã bắt đầu có những “chiêu thức” để kiếm tiền từ chính nỗi đau của người bệnh. Từ kê đơn thuốc cho nhiều để có hoa hồng, nhận tiền lót tay trước mỗi ca phẫu thuật, hoặc chèo kéo bệnh nhân về phòng mạch của mình với giá “cắt cổ”...

Xã hội - 'Làm nghề y, tiền dày thì đức sẽ mỏng' (Hình 2).

Ảnh minh hoạ.

Đau xót và... bất mãn

Tiền dày, đức mỏng...

Gần 50 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Nguyễn Trọng Thanh chiêm nghiệm và khẳng định: “Làm nghề y, nếu tiền dày thì đức sẽ mỏng”. Nếu trước đây, người bác sĩ được coi như “thánh nhân” bởi họ luôn hy sinh để cứu người mà không màng vụ lợi thì ngày nay, người thầy thuốc coi sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân như một mặt hàng mặc cả cao thấp, có lợi thì mới làm. “Có lẽ không ai lạ gì cảnh những người nghèo, người bất hạnh mắc bệnh nan y bị đối xử tàn nhẫn. Nếu họ không có phong bì lót tay, không có mối quan hệ với bác sĩ thì chỉ nằm đó mà quằn quại”, ông nói.     

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thanh tâm sự rằng, ông từng được cử ra nước ngoài làm việc, nhưng chưa ở đâu ông thấy các đồng nghiệp như ở Việt Nam, rất thiếu tôn trọng nhau. Ông bảo, ngay cả đồng nghiệp cũng không tôn trọng nhau thì làm sao có thể tôn trọng rồi mềm mỏng để cứu giúp bệnh nhân.

Ông nhớ lại, hồi ông làm việc ở Algerie, nhiều lần ông nhận được thư của các bác sĩ tuyến dưới khi chuyển bệnh nhân sang nhờ ông điều trị, những lời lẽ trong lá thư khiến người nhận bao giờ cũng cảm thấy vinh dự và càng thêm trách nhiệm: “Đồng nghiệp thân mến!Tôi giao phó bệnh nhân này cho đồng nghiệp, để hy vọng rằng, với kinh nghiệm và phương tiện trong tay đồng nghiệp sẽ giúp cho người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh hơn. Được giao phó bệnh nhân cho đồng nghiệp là sự mãn nguyện của bản thân tôi”.

Nhưng ở Việt Nam thì khác, các bác sĩ thậm chí ngang tuyến cùng nhau nhưng nhiều khi cũng không tin tưởng nhau. Rồi cả tình trạng tuyến trên không sử dụng các xét nghiệm, các phim chụp chiếu, rồi không "ngó" qua những kết luận trong bệnh án của bệnh nhân có lẽ cũng không lạ gì.

Và hầu hết, khi bệnh nhân được chuyển viện, qua mỗi một cấp, họ phải làm lại tất cả các xét nghiệm, chiếu chụp ấy. "Thật tốn kém và mất thời gian. Người bệnh đã ốm lại bị hành nhiều như thế, bệnh chỉ càng nặng hơn”, ông nói.

Một thực trạng nữa trong ngành y mà lâu nay ông trăn trở, đó là tình trạng các bác sĩ phóng tay cho bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm không cần thiết. Theo ông, chỉ cần hỏi một sinh viên học trường y, họ cũng sẽ nói rằng: Với một bác sĩ khám bệnh, thì việc hỏi, nhìn, sờ, gõ, nghe và lấy các dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ, mạch, nhịp tim, huyết áp….) là đủ 80% kết luận về hầu hết các bệnh tật. Thậm chí những bệnh lý đơn giản thông thường chỉ cần thăm khám cũng đủ để chẩn đoán hầu như 100% xác định được bệnh.

“Nhưng hiện nay, xét nghiệm có lẽ cũng trở thành một món lợi kinh tế. Nó thể hiện sự lười biếng, thiếu trình độ và y đức thấp hèn của người bác sĩ. Cho làm các xét nghiệm là quyền chuyên môn của thầy thuốc lâm sàng. Và chỉ cần bớt một chữ ký là đã đỡ tốn kém cho người bệnh tiền triệu, tắc trách phóng tay có thể làm cho bệnh nhân vốn đã nghèo lại càng trở nên nghèo hơn”, ông nói.

Ông tâm sự rằng, khi chứng kiến đạo đức ngành y đang dần đi xuống, ông đau xót và bất mãn. Bởi lời thề Hippocrate trong ngành y ngày nay đã không còn được coi trọng. Lương tâm làm nghề dường như đã trở thành một mặt hàng xa xỉ, thậm chí nhiều người không có ý niệm gì về nó.

Khi hỏi về những điều ông muốn nhắn nhủ tới thế hệ sau – thế hệ sinh viên đang theo đuổi nghề y, ông nói: “Nếu bạn đến với nghề y chỉ vì nghĩ đó là nghề “hái” ra tiền thì hãy dừng lại. Nếu ai đã bắt đầu làm nghề thì đừng vì một phút yếu lòng mà trượt dài trong cái nghiệp mà mình đã tự nguyện dấn thân”.

Rời khỏi căn nhà giản dị, tuềnh toàng như chính con người ông, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói "Làm nghề y, tiền dày thì đức mỏng".                                               

Ong Lý

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.