'Làm nhục chết người' qua thế giới ảo

'Làm nhục chết người' qua thế giới ảo

Thứ 4, 17/07/2013 16:11

Bị bạn bè xuyên tạc, gán ghép, thậm chí làm nhục trên các trang mạng xã hội, nhiều học sinh lâm vào tình trạng bế tắc, trầm cảm, thậm chí khủng hoảng tới mức không cách nào tự minh oan cho mình được đành tìm cách giải thoát bằng cái chết.

Chuyện "vặt" cũng có thể gây hậu quả

Chuyện cách đây không lâu, khi đang ngồi chuyện trò cùng một người đồng nghiệp, tôi nghe được tiếng thở dài từ một câu chuyện trong gia đình người bạn mình. Số là, cô em gái đang học đại học, trọ trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tên T. cùng với hai người bạn cùng lớp. Do người bạn mất điện thoại, đến lúc người yêu của cô gái này gọi điện đến số máy đã mất thì thấy có một giọng nữ bắt máy.

Thấy giọng nữ này giống giọng của T., chàng trai nọ bảo phải trả lại điện thoại ngay lập tức, bằng không sẽ nhờ pháp luật xử lý. Bỗng dưng T. bị bạn đổ tội cho, không biết minh oan cho mình bằng cách nào, chỉ biết chờ đợi và tin tưởng vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Bị kiểm tra nhà, giấy tờ, điện thoại, bị khủng bố tinh thần trong nhiều ngày khiến thần kinh T. trở nên căng thẳng, ức chế.

Tối đến, khi về đến nhà, mở máy tính ra xem thì lại thấy người bạn gái kia rêu rao trên facebook nói mình là đứa trộm cắp cùng với những lời lẽ sỉ nhục trước bạn bè. T. uất ức đề nghị người bạn gỡ xuống vì chưa có kết quả sau cùng thì không có quyền làm nhục mình. Tuy nhiên, lời đề nghị của T. không được chấp nhận. Sợ bạn bè hiểu lầm, thần kinh căng thẳng nên tối cùng ngày T. phải vào bệnh viện 19-8 cấp cứu vì hạ can-xi cấp.

Xã hội - 'Làm nhục chết người' qua thế giới ảo

Mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng có thể gây nhiều phiền toái khi người sử dụng nó làm phuơng tiện xúc phạm người khác

Ngay sau khi nhận được điện thoại khuyên nhủ của các anh chị, bạn bè và biết tin T. phải đi cấp cứu, cô gái kia cũng đã chấp nhận hạ status trên facebook xuống và gửi lời xin lỗi tới T..

Vụ việc kể trên không để lại hậu quả gì nghiêm trọng nhưng cũng khiến những người trong và ngoài cuộc phải suy nghĩ. Phải chăng, thế giới mạng, thế giới ảo đã trở thành nơi mà "tự do ngôn luận" được thể hiện một cách thái quá?

Người ta biết rõ ràng, mỗi một lời nói, một hành động xúc phạm người khác dù là nói trực tiếp hay thông qua bất kì phương tiện nào, gây ra hậu quả nghiêm trọng đều là hành vi phạm tội, nhất là với những người mà trình độ học vấn không nhỏ (học sinh, sinh viên, viên chức,…) thì ý thức về việc này không thể nói là không có.

Nhưng để cho "sướng cái mồm, thoả cái dạ", thích thì nói, những câu trạng thái mang tính chất đe doạ, làm nhục người khác, kể cả ghép ảnh, bịa đặt vẫn tiếp tục được đưa lên để cộng đồng mạng cùng đọc, cùng bình luận, cùng "like" và "comment"… Biết đâu đằng sau đó, nạn nhân của những dòng trạng thái này, oan hay không oan đều phải chịu sự tra tấn tinh thần khó có thể nào lành lại.

Không phải tìm ra thủ phạm để cho vui

Trở lại với hai vụ án khiến dư luận xôn xao thời gian vừa qua. Trong bức di thư của em Nguyễn Thị Cẩm L. ở Thạch Thất, Hà Nội có viết rõ: "Hôm đi học thêm Toán, thằng Hải nó lấy ảnh cháu về nó ghép linh tinh. Cháu bảo bỏ mà nó không bỏ, nó bảo nó sẽ đăng lên facebook. Thế sau nó đăng lên facebook của lũ con trai của lớp. Thằng Đạo thấy thế down về đăng lên facebook của lớp, cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn". Rõ ràng đã có đầy đủ nguyên nhân và tên của những người gián tiếp đẩy em L. tới việc làm dại dột quyên sinh.

Vụ việc diễn ra cũng đã nửa tháng, tuy nhiên các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc "đang được tiến hành điều tra, làm rõ" khiến nhiều người dân bức xúc: "Lẽ nào những người đã đẩy cô bé tới cái chết không phải chịu trách nhiệm nào?". Thậm chí có bậc phụ huynh còn bức xúc: "Chúng nó phải cho đi tù, giết người như thế còn cãi thế nào được".

Biết rằng, các em đều còn ở lứa tuổi học trò, hoàn toàn không ý thức được hành vi của mình có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng đến vậy nhưng những quyết định mang tính chất cảnh cáo, xử phạt vẫn là cần thiết nhằm răn đe những hành động, việc làm tương tự.

Vụ việc chưa kịp xuôi xuống thì vụ em P.U.N. ở Đà Nẵng cũng khiến các bậc cha mẹ hoảng hồn. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ facebook mang tên "Bộ mặt thật của các hotgirl teen Đà thành". Không chỉ em U.N. mà hàng loạt nữ sinh khác cũng bị "điểm mặt chỉ tên" với những cái tội "từ trên trời rơi xuống" nhằm xúc phạm nhân phẩm của các em. Em U.N. may mắn hơn Cẩm L., được gia đình cứu chữa kịp thời và thoát khỏi tay thần chết, nhưng nỗi đau thì vẫn còn  nguyên.

Thái độ thờ ơ, thậm chí hùa vào của một số cá nhân thuộc cộng đồng mạng cũng góp phần vào việc đẩy các nạn nhân đến bước đường cùng. Cho dù hầu hết những "like" những "comment" đều để cho vui, nhưng buồn ở một nỗi nếu so sánh với những status thông thường, thậm chí có nội dung tích cực thì những status tạm gọi là "bẩn" này lại được chú ý nhiều hơn cả.    

Luật đã có, xử nghiêm theo luật vẫn là… đến bao giờ?

Điều 121 BLHS quy định về tội làm nhục người khác nêu rõ: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". Rõ ràng, "lời nói không mất tiền mua", nhưng đôi khi lời nói vô tội vạ lại dẫn đến "tội".

Đằng sau những giọt nước mắt cay đắng của gia đình những nạn nhân, một câu hỏi lớn vẫn tiếp tục được đặt ra: "Đến bao giờ thì pháp luật mới xử phạt rắn với những hành vi xúc phạm người khác gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?”.

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.