Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 23/2 cho biết, lạm phát cơ bản, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu có tính biến động, của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục 5,3%, trong tháng 1/2023 so với mức 5,2% trước đó.
Eurostat cũng nhấn mạnh rằng tốc độ lạm phát hiện nay đã vượt qua mức đỉnh, song áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt."
Ông Jack Allen-Reynold, chuyên gia kinh tế cấp cao của Eurozone, cho rằng việc lạm phát cơ bản của Eurozone bất ngờ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 1 sẽ củng cố nhận định của đa số các nhà hoạch định chính sách ở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn thúc đẩy tiếp tục tăng mạnh lãi suất.
Kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 300 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát.
Mới đây nhất, ngày 2/2/2023, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản trong Eurozone thêm 0,5% do áp lực lạm phát. Theo quyết định này, 3 loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lên, lần lượt ở mức 3%, 3,25% và 2,5%.
Tình trạng lạm phát cao kéo dài là nguyên nhân chính khiến Hội đồng Quản trị ECB quyết định tăng lãi suất. Theo thông báo của ECB, lộ trình tăng lãi suất sẽ được duy trì với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để đảm bảo lạm phát trở lại theo đúng mục tiêu trung hạn 2%.
ECB cũng cho biết, việc tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu, đồng thời cũng sẽ bảo vệ chống lại nguy cơ lạm phát thay đổi liên tục. Trong mọi trường hợp, các quyết định về chính sách của ECB sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu thực tế của nền kinh tế…
Hồi tháng 1/2023, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tái khẳng định quyết tâm của ECB về việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát một cách hợp lý nhất. Mục tiêu lạm phát 2% trong khu vực Eurozone về trung hạn đã được đặt ra từ nhiều tháng qua.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)