Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố, lạm phát ở khu vực đồng Euro (Eurozone) chạm mức 4,1% trong tháng 10, tăng lên đáng kể so với con số 3,4% của tháng 9. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 13 năm kể từ tháng 7/2008, vượt qua con số dự báo trước đó là 3,7%.
Khu vực đồng Euro là một nhóm gồm 19 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sử dụng đồng Euro làm đơn vị tiền tệ chính thức.
Giải thích về vấn đề này, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng nguyên nhân chủ yếu do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng mạnh gần đây đã đẩy tỉ lệ lạm phát của khu vực lên cao. Yếu tố năng lượng trong dữ liệu tính toán lạm phát đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến nay là yếu tố đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng lạm phát.
Lạm phát là một số liệu quan trọng được theo dõi bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Vào tháng 9, Ngân hàng này đã phải thông báo rằng sẽ giảm việc mua trái phiếu do giá tiêu dùng tăng cao. Báo cáo tài chính quý III của khối cũng cho thấy GDP đã tăng 2,2% so với giai đoạn trước, tốc độ nhanh nhất trong một năm.
Theo Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, nhận định: “Tăng trưởng sẽ chậm hơn nhiều trong quý cuối cùng của năm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu toàn cầu chậm lại và tình trạng thiếu lao động cũng cản trở quá trình sản xuất".
Ông cho biết thêm rằng lạm phát chính của khu vực đồng Euro và lạm phát cơ bản có thể sẽ tiếp tục tăng trong hai tháng tới. Ông Andrew Kenningham nói: “Những biến động vừa qua trong giá khí đốt dẫn đến sự gia tăng lạm phát do năng lượng và lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục tăng”.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB cho biết: “Lạm phát sẽ tốn nhiều thời gian để giảm hơn so với dự kiến trước đây. Chúng tôi kỳ vọng những yếu tố khó khăn sẽ giảm bớt tác động trong năm tới. Dự đoán lạm phát trong trung hạn sẽ duy trì dưới mức 2%”.
ECB dự báo lạm phát ở mức 2,2% vào năm nay, 1,7% vào năm tới và 1,5% vào năm 2023 so mục tiêu trung hạn đề ra là 2%. Ngân hàng sẽ cập nhật những dự báo đó vào đầu tháng 12 tới. Giá năng lượng đã trở thành vấn đề nóng tại châu Âu khi nhiều nước đang đau đầu về bài toán hạ nhiệt thị trường năng lượng nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC)