Theo công bố của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 15/9, số liệu lạm phát tháng 8 đã chạm mức 3,2%, tăng 1,2% so với cùng kỳ tháng trước. Biên độ tăng trong tháng này là mức lớn nhất kể từ khi ONS chính thức ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng từ năm 1997.
Nguyên nhân lạm phát tăng đột biến trong tháng 8
Giải thích về vấn đề này, ông Ulas Akincilar, một chuyên gia tại Công ty giao dịch tài chính và ngoại hối Infinox, cho rằng: “Việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại là liều thuốc cần thiết cho nền kinh tế Anh phục hồi hậu đại dịch. Nhưng rõ ràng liều thuốc này cũng gây ra tác dụng phụ, đó là khiến tình trạng lạm phát nghiêm trọng hơn”.
Một số luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng lạm phát cao là do hàng loạt các biện pháp kích thích khác nhau được nước này thực hiện từ nhằm nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.
Trong đó phải kể đến Chính phủ Anh đã dành 500 triệu Bảng Anh để tài trợ chương trình “Eat Out to Help Out” tháng 8, nội dung trợ giá đến 50% tổng hóa đơn nhà hàng cho tối đa 10 Bảng Anh/ thực khách. Một số các chương trình cứu trợ đại dịch Covid-19 cũng được thực hiện từ mùa hè năm ngoái như giảm thuế bán hàng trong lĩnh vực khách sạn.
Nguyên nhân khác của tình trạng lạm phát leo thang là áp lực giá cả đang đè nặng lên sự phục hồi kinh tế do thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên liệu thô, chi phí vận chuyển cao liên quan đến đại dịch và hậu Brexit.
Theo ONS, có khoảng 1 triệu vị trí tuyển dụng khan hiếm ở Vương quốc Anh từ tháng 6 đến tháng 8 và mức lương tăng gần 7% trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7.
Các hộ gia đình cũng phải đối mặt với áp lực thêm về tài chính sau khi Cơ quan Quản lý năng lượng Ofgem tăng trần mức thuế năng lượng từ tháng 4 để đối phó với chi phí tăng cao trên thị trường bán buôn thế giới. Sự gia tăng mức thuế này đang được Ofgem tiếp tục xem xét vào tháng 10.
Dự báo lạm phát Vương quốc Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 4% trong năm nay. Ngân hàng đánh giá những tác động này mang tính chất tạm thời trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa hậu đại dịch và cho rằng còn quá sớm sử dụng chính sách tiền tệ tăng lãi suất. Mặc dù, trên thực tế kinh tế vĩ mô, các ngân hàng trung ương thường coi việc tăng lãi suất như công cụ để làm giảm cầu khi lạm phát có nguy cơ leo thang.
Theo Kallum Pickering, chuyên gia tại Ngân hàng Berenberg, nhận định vào ngày 15/9 rằng: “Hàng loạt dữ liệu của Vương quốc Anh gần đây đang thể hiện tỉ lệ thất nghiệp, giá cả và lạm phát cao nhưng GDP thực tế thấp hơn dự kiến. Điều đó có thể dẫn tới hiện tượng lạm phát kèm suy thoái. Mặc dù nguy cơ cho tình trạng như thế còn khá thấp, nhưng đã đẩy Ngân hàng Trung ương Anh phải đối mặt với những quyết định khó khăn là tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.”
Lạm phát kèm suy thoái (stagflation) là một hiện tượng đặc trưng bởi trình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát tương đối cao.
Kit Juckes, chuyên gia tại Công ty dịch vụ tài chính Societe Generale, cho biết "Nhiều phân tích cho thấy rằng nguy cơ về các cú sốc cung - cầu còn tiềm ẩn ở nhiều khu vực khác nhau. Vì vậy, tình trạng lạm phát không ổn định vẫn sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.”
Phạm Thu Thanh (theo CNN)