Báo Dân Trí vừa đưa tin, tại cuộc họp của ban Chỉ đạo điều hành giá 6 tháng đầu năm tại văn phòng Chính phủ sáng nay (10/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đã phê bình bộ Giao thông - Vận tải khi cho tăng hàng loạt loại giá vé tàu hoả, máy bay, xe bus, khiến tháng 6 phát sinh lạm phát.
"Xe buýt nhiều nơi đã tăng giá, trong khi xăng dầu tăng nhẹ, tàu hoả và máy bay cũng tăng. Đáng lẽ, mùa hè, du lịch người dân đi lại, khách nhiều thì giá phải giảm theo đúng quy luật của thị trường mới đúng", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng nói: Số liệu của tổng cục Thống kê báo lên trong tháng 6, giá vé tàu hoả tăng 7,41%. Ngay cả giá vé máy bay, xe buýt các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hoá, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long cũng tăng 2,68%. Hai hãng hàng không Vietjet và Jetstar Pacific tăng phụ thu khiến giá vé máy bay tăng 2,59%.
Phó Thủ tướng lập luận: "Cơ sở đâu để tăng giá, hay lại tranh thủ, người đông, đò đầy đi tăng giá. Nguyên lý là thường thường khách sạn đầy phòng phải giảm chứ, đằng này toàn đi ngược lại thị trường. Trong khi đó, những yếu tố này không có trong kịch bản đã báo cáo lên ban Chỉ đạo giá của Chính phủ".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: bộ GTVT phải kiểm tra, xem lại và rút kinh nghiệm cách điều hành giá của mình. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ giao bộ Tài chính cũng phải tham gia giám sát vấn đề này để báo cáo Chính phủ về chỉ đạo giá.
Giải trình với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các loại giá vé và phụ thu tăng là trong khung cho phép, không ảnh hưởng đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng).
Ông Thọ cho biết: "Trong tháng 6 và tháng 7, cá nhân tôi đang yêu cầu giảm phí và giá dịch vụ đường sắt để thu hút người dân đi lại. Riêng đường sắt, chúng tôi muốn giảm".
Phó Thủ tướng khẳng định: "Không thể nói giá và phí tăng trong khung được bởi con số tổng cục Thống kê báo lên, chi phí giá dịch vụ giao thông đóng góp 1,04% vào tăng CPI. Nếu bộ GTVT không tính thì làm sao quản lý được".
Báo Tin Tức thông tin thêm, báo cáo của bộ Tài chính cho thấy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó của các cơ quan liên quan. Tại phiên họp ngày 29/5 của ban Chỉ đạo, nhóm giúp việc dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43- 0,85% và thực tế CPI tháng 6 tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt heo tăng trong đó khoảng 0,34%).
Đối với giá thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thận trọng, chưa cho tái đàn ồ ạt, làm người nuôi thua thiệt. Bộ tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng như các mặt hàng khác. “Bộ Nông nghiệp cần có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn, bảo đảm giữ giá thịt lợn như hiện nay và cố gắng giảm giá”, Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến thuế bảo vệ môi trường, để bảo đảm kiểm soát giá cả các mặt hàng, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng như đề xuất ban đầu.
Tại cuộc họp, cục Quản lý giá và tổng cục Thống kê độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 4%.
Cụ thể, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7- 3,88%. Theo đó, ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế sẽ giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1%, tuy nhiên có yếu tố tăng giá từ giá thịt lợn, điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới.
Từ các tháng 8 cho tới tháng 12, lạm phát sẽ tăng so với các tháng trước đó do việc tăng giá các mặt hàng thịt lợn, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai,...
Vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 là khoảng từ 3,9- 4%.
(Theo báo điện tử Chính Phủ)
H.Y (tổng hợp)