Trước kia tại khoản 34 (Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020) chỉ nêu quy định về vốn điều lệ. Theo đó, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Trong khi đó, Điều 16 Luật quy định hành vi đó là bị cấm, song lại thiếu giải thích nội hàm của như hành vi kê khai khống vốn điều lệ dẫn tới khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng trên thực tế.

Mới đây, Dương Văn Ninh - Chủ tịch Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinink Land khống của công ty từ 1,6 tỷ đồng lên 699 tỷ và thực hiện hành vi lừa đảo.
Xem thêm: Thủ đoạn chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của Chủ tịch Công ty Vinink Land
Dự thảo lần này đã bổ sung thêm khoản 35 về khai khống vốn điều lệ. Cụ thể, kê khai khống vốn điều lệ là hành vi kê khai số vốn điều lệ lớn hơn số vốn thực tế góp tại thời điểm phải hoàn thành việc góp vốn theo quy định.
Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ án lừa đảo xuất phát từ hành vi khống vốn điều lệ, trong khi thực tế vốn thực góp là rất nhỏ.
Do đó, Bộ Tài chính xét thấy cần quy định rõ khái niệm về kê khai khống vốn điều lệ để có cơ sở xử lý các hành vi sai phạm này trong thực tiễn.
Tại Điều 4 dự thảo cũng bổ sung thêm nhiều khoản, trong đó có khoản 37 về "chủ sở hữu hưởng lợi" của doanh nghiệp.
Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi có tư cách pháp nhân là cá nhân có một trong các tiêu chí sau: Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp; Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo lý giải, khoản 37 được bổ sung nhằm cần có quy định rõ khái niệm "chủ sở hữu hưởng lợi" để phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 8 về nghĩa vụ của doanh nghiệp như sau: Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
Như vậy, dự thảo bổ sung "thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi" so với quy định trước. Điều này được lý giải là cần thiết, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) về phòng chống, rửa tiền, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.