Theo thông tin đăng tải trên Gia đình Việt Nam, Công an huyện Thọ Xuân nhận được đơn thư cầu cứu của ông Lê Văn Nhung (SN 1959, trú tại thôn Tân Thành, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân) về việc em trai ông Nhung là ông Lê Văn Năm (SN 1967, trú tại cùng địa chỉ) bị vợ là bà Phạm Thị N. và con trai nhốt trong lồng sắt đặt trong nhà riêng suốt một thời gian dài. Nhận đơn thư, Công an huyện Thọ Xuân đã xác minh làm rõ vụ việc.
Một vị đại diện UBND xã Xuân Thiên cho biết trong 2 ngày 4 và 5/1, Công an huyện Thọ Xuân và Công an xã Xuân Thiên đã đến nhà bà Phạm Thị N. 3 lần để xác minh nhưng phía gia đình bà N. không hợp tác. Đến chiều ngày 5/1, UBND huyện Thọ Xuân ra ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng mới đưa được ông Năm ra khỏi cũi sắt.
Tối ngày 5/1, cơ quan chức năng đã phối hợp đưa ông Năm ra khỏi cũi sắt. Ông Năm cũng được bàn giao cho người thân đưa về nhà chăm sóc. Thông tin này được ông Ngô Doãn Luyến, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Thiên xác nhận vào sáng ngày 10/1.
Ông Luyến thông tin thêm, ông Năm hiện đang được chăm sóc tại nhà người anh ruột với sức khoẻ đã dần ổn định. Trước đây, ông Năm sức khoẻ bình thường, không bị mắc các chứng bệnh về thần kinh.
Tuy nhiên, theo ông Luyến, việc ông Năm có phải bị vợ và con nhốt vào trong cũi sắt hay không cần chờ kết luận từ phía Công an huyện Thọ Xuân.
Công an huyện Thọ Xuân làm việc với bà Phạm Thị N. Bà N. phủ nhận thông tin nhốt chồng. Người phụ nữ này cho rằng việc ông Năm ở trong cũi sắt là do ông này tự nguyện để thực hiện cai nghiện ma tuý.
Chia sẻ trên báo Bảo vệ Pháp luật, ông Lê Văn Năm (SN 1967) cho biết bị nhốt từ 23/10/2015 đến 5/1/2019 trong cũi sắt có chiều dài 1,8m, cao 1,2m, rộng 0,8m. Sau 1.177 ngày bị nhốt thì tôi được thả, nhưng chân không thể bước được vì teo cơ do không vận động nhưng tôi rất mừng là mình đã sống".
Với vẻ ngoài bình thường, minh mẫn, ông Năm kể: "Trước đó gia đình tôi có trại nuôi lợn nằm phía Tây thôn Tân Thành. Sáng 23/10/2015 có người đến mua và trả 42.000 đồng kg lợn hơi, tôi bảo “rẻ quá, tôi không bán”. Không biết người này nói với vợ tôi là bà Phạm Thị N. (SN 1970) như thế nào, nhưng khi gặp tôi ở trại lợn thì nét mặt bà ấy đằng đằng sát khí, rồi cùng ông Ton (người cùng thôn) xông vào vật tôi ra, trói tôi lại, nhét giẻ vào mồm tôi, kéo tôi về nhà rồi đẩy tôi vào củi sắt đã làm sẵn rồi khóa lại".
Theo ông Năm, không ai biết chuyện. Khoảng 18 tháng sau, con trai ông là Lê Văn C. (SN 1992) và vợ ông dùng thanh sắt to ép ông từ cũi sắt cũ chui sang cũi sắt mới rồi đưa lên ngôi nhà mới xây tại ngã ba đường thôn Tân Thành.
Ông Năm kể, thời gian bị nhốt tại nhà cũ, chế độ ăn khá hơn. Nhưng hơn 2 năm ở nhà mới là địa ngục.
“Sáng sớm mẹ con nhà nó đưa lên tô cơm, một quả trứng, một tô canh và một lon bia. Chiều ăn lại thì canh đã chua loét. Còn vệ sinh thì có xô để sẵn phía dưới cũi sắt, có giấy vệ sinh, bên ngoài có can nước, khát thì uống.
"Lâu lâu thì mẹ con nó cũng đưa cho khăn ướt để lau chùi. Mấy hôm rét thì đẩy cho tôi cái chăn mỏng để đắp. Hơn ba năm nay tôi chưa cắt móng tay, còn tóc nếu dài quá mẹ con nó đưa cho tông đơ cho tôi tự cắt…", ông kể.
Theo lời ông Năm, ngày 4/1 vừa qua, L. (con rể) và Lê Thị L. (SN 1996, con gái) đến đưa ông 2 bản giấy viết sẵn có nội dung chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho Lê Văn C. (con trai) và một bản là cam kết “tôi tự nguyện chui vào cũi sắt để cai nghiện và tự nguyện chui ra” rồi bảo ký.
Khoảng 21h ngày 5/1, ông Năm được thả ra nhưng không ra được vì bị teo cơ chân. Sáng hôm sau, ông bò ra được khỏi cũi sắt nhưng tầng 2 bị khóa ngoài. Ông Năm sau đó được anh trai đưa về nhà chăm sóc...
Mộc Miên (Tổng hợp)