Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được ban hành có ý nghĩa lớn trong phòng, chống tham nhũng. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Dư luận đặc biệt quan tâm trong nội dung Quy định số 90 về đạo đức, lối sống nêu rõ: “Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Quy định này đã “điểm trúng huyệt”, được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để chặn đứng việc lợi dụng chức vụ người thân để trục lợi.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề, làm sao ngăn chặn tình trạng lợi dụng tên tuổi cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao để trục lợi một cách có hiệu quả.
PV: Thưa ông, thời gian qua, không ít quan chức từng phải chịu “tai tiếng” vì những vi phạm nghiêm trọng của người thân. Những vi phạm đó lại “dây mơ rễ má” với chức vụ, địa vị và quyền hạn của chính quan chức. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp “cán bộ là công bộc” của dân?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Đây là vấn đề thực tế đặt ra. Phải làm sao triệt tiêu việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người thân để trục lợi bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi? Câu trả lời không hề đơn giản.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 15, ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cảnh cáo vì tham gia điều hành công ty của chồng là vi phạm luật Phòng chống tham nhũng.
Sự việc khiến không ít người giật mình. Chúng ta không thể vì một vài trường hợp mà suy rộng ra đại đa số, nhưng hàng loạt sự vụ được phát lộ cho thấy nhiều vấn đề. Từ vụ tài sản trăm tỷ của gia đình cựu Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, căn “biệt phủ” xây trái phép trên đất nông nghiệp của con gái Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, đến nhiều trường hợp lợi dụng quan hệ người thân để lừa đảo vay tín dụng... Tất cả đều cho thấy vấn đề trục lợi từ chức vụ, danh tiếng của người thân đã phần nào làm méo mó hình ảnh người cán bộ, công chức nói chung và các lãnh đạo nói riêng.
PV: Quy định số 90 kể trên được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả thực trạng này?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Tôi đánh giá rất cao quy định này. Trước đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng người thân làm lãnh đạo để trục lợi. Những quy định lần này sẽ thêm một lần để mỗi cán bộ tự soi mình, răn mình và nghiêm khắc với chính mình.
Quy định chặt chẽ, đầy đủ nhưng để đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm túc cần có quyết tâm của người tổ chức thực hiện. Thực tế, quy định chặt chẽ đến mấy, nghiêm khắc đến mấy nhưng người tổ chức thực hiện không nghiêm thì hiệu quả cũng không cao.
PV: Như ông nói, điều quan trọng nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Ông tin tưởng, thực hiện nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Trên thực tế, phải có những thay đổi mang tính đồng bộ. Tôi thấy chúng ta đã có những quy định chặt chẽ, ngăn chặn cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhưng kiểm soát tài sản người thân quan chức còn bị buông lỏng. Thế nên, cần rà soát để loại bỏ những quy định không khả thi trên thực tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, giám sát cán bộ của các cơ quan, mặt trận, người dân cần chú trọng hơn nữa. Đây chính là “kênh” phát hiện nhanh nhất những bất thường của người thân quan chức.
Nhiều quy định chưa đi vào cuộc sống hoặc khó thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nơi. “Làm quan xa, cấy ruộng kề”, câu chuyện này trước đây đã từng thực hiện rất nghiêm túc nhưng đến nay khó tránh khi cán bộ thường là người tại địa phương và có điều kiện đưa người nhà vào bộ máy.
Cán bộ không nhất thiết phải khép kín ở địa phương. Như vậy cũng sẽ ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh tiếng người thân để trục lợi.
PV: Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh tiếng người thân để trục lợi đang ngày càng tinh vi, bởi thế, sẽ khó kiểm soát về mặt luật pháp nếu không thay đổi được ý thức con người?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Cái chính vẫn là con người và sự giám sát của xã hội. Quan trọng hơn là bản thân cán bộ lãnh đạo phải nghiêm túc với chính người thân của mình.
Hiện, nhiều vấn đề đã được quy định rõ ràng, ví dụ như mua bán, quản lý tài sản công... tạo ra sự minh bạch. Công khai doanh nghiệp nào, của ai, tham gia những dự án nào để bình đẳng với nhau... như thế sẽ hạn chế tình trạng nhờ có người thân để được đấu thầu dự án này, dự án kia, tạo ra sự bất bình đẳng.
Không hạn chế người nhà, người thân làm giàu một cách chính đáng, nhưng sự bất minh phải loại bỏ để tạo điều kiện cho cán bộ phát triển một cách thực chất theo đúng năng lực bản thân.
Với cán bộ cấp cao, nếu để người thân lợi dụng thì danh dự sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, mức độ xử lý còn phụ thuộc vào những vi phạm cụ thể. Nếu quy định quá khắt khe với con em cán bộ, người thân quan chức cũng rất khó. Bởi thực tế, ở các quốc gia khác, anh em, người nhà, thậm chí vợ chồng, bố con kế nghiệp là hết sức bình thường.
Do đó, mối quan hệ thân tình không phải mấu chốt, mà quan trọng là con người đặt ở vị trí nào đó có thực sự đáp ứng nhu cầu công việc hay không. Mọi người đều bình đẳng như nhau. Nếu hạn chế người thân quan chức sẽ có khả năng hạn chế năng lực người tài và tạo sự bất bình đẳng.
Cần đánh giá cán bộ thường xuyên, nếu không làm được thì đào thải. Để bị lợi dụng tên tuổi làm liều, bản thân lãnh đạo đó cũng không có lợi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!