Kênh thanh toán điện tử ngày càng trở nên phong phú
Chiều 25/11, tiếp tục Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam cho rằng việc bảo đảm bảo an toàn thông tin cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến là vấn đề vô cùng cấp bách.
Tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Đương, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng FPT-IS đã có phần chia sẻ về “Giao dịch trực tuyến: Nguy cơ và một số giải pháp an toàn thông tin trong thực tiễn”.
Ông Đương đưa ra báo cáo của Mckinsey trong năm 2020 về hành vi tiêu dùng trên toàn cầu. Trong đó, về hành vi tiêu dùng là tiền mặt thì có hai nhóm: Các quốc gia đang phát triển và nhóm quốc gia đã phát triển. Đối với nhóm các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Pháp thì tỉ lệ sử dụng tiền mặt trong quá trình giao dịch tương đối thấp, đến năm 2020 đã đạt được 20-23%. Nhưng, đối với các nước đang phát triển thì tỉ lệ sử dụng tiền mặt trong quá trình giao dịch còn tương đối lớn, tuy nhiên đã bắt đầu chuyển dịch sang nền tảng mới đó là thanh toán trực tuyến.
Theo ông Đương, đáng chú ý Trung Quốc đã có tốc độ bứt phá từ năm 2010 – 2020, đó là tỉ lệ giao dịch trực tuyến đã tăng lên hơn 50%, lượng tiền mặt sử dụng giao dịch còn 40%.
“Tôi cũng tin chắc rằng, trên các thiết bị di động tồn tại ít nhất một nền tảng, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Có thể là internet banking, ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán điện tử khác… Với số lượng, kênh thanh toán điện tử ngày càng trở nên phong phú, đa dạng thì đó là một trong các mục tiêu của các nhà cung cấp hàng hoá. Bởi, họ muốn tăng trải nghiệm của người sử dụng, đón người sử dụng, người tiêu dùng nhiều đến với họ và tăng chỉ số doanh thu. Khi số lượng giao dịch trực tuyến tăng lên đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ, thách thức về an toàn thông tin, làm sao để các giao dịch diễn ra một cách an toàn”, ông Đương chia sẻ.
Ông Đương cũng đưa ra một số giải pháp mà Trung tâm an ninh mạng FPT-IS đã và đang đồng hành cùng các khách hàng đó là từ dịch vụ phòng thủ, tấn công cho đến tư vấn.
Về giao dịch điện tử, ông Đương cho biết công ty đang chia ra 3 nhóm giải pháp: Các dịch vụ liên quan đến tư vấn; các dịch vụ liên quan đến đánh giá lỗ hổng và bảo mật; dịch vụ về giám sát an toàn thông tin 24/7.
Doanh nghiệp đối mặt với ba thách thức
Chia sẻ thêm về “bảo mật thiết bị di động cho Chính phủ số/chuyển đổi số” ông Đinh Trọng Du, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp Samsung (Công ty Samsung Việt Nam) cho biết, hiện nay xu thế sử dụng thiết bị di động trong doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Bên cạnh các lợi ích mà các thiết bị di động mang lại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình sử dụng.
Với tư cách là một nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới, Samsung đã có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thành công các thiết bị di động vào các hoạt động kinh doanh của mình.
Vị chuyên gia kỹ thuật cao cấp Samsung thông tin, đến năm 2020 đã có khoảng 3,5 tỷ smartphone được sử dụng trên toàn thế giới, con số này sẽ tăng theo hàng năm. Từ năm 2016 đến 2020 đã có khoảng 1 tỷ thiết bị smartphone được đưa vào sử dụng – đây là con số tăng trưởng cực ấn tượng.
Ông Du nói: “Các thiết bị di động hiện nay, ngoài các mục đích cá nhân, còn được sử dụng cho mục đích xử lý các công việc chuyên môn. Không đơn thuần là thiết bị cá nhân nữa mà được các doanh nghiệp ứng dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để triển khai các công việc”.
Theo thống kê, 93% người sử dụng thiết bị di động có phản hồi lại là họ thường xuyên sử dụng thiết bị di động vào công việc chuyên môn. Trong số đó họ dành 33% thời lượng vào các công việc hàng ngày, cứ 4 trong số 10 người được khảo sát thì họ tin rằng các thiết bị di động thay thế được các thiết bị máy tính truyền thống.
Ông Du cũng cho hay, ngày nay, các thiết bị di động đã tham gia nhiều vào các lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng đến giáo dục đào tạo, sản xuất cũng như ngành hàng bán lẻ. Trong quá trình ứng dụng triển khai các thiết bị di động vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các doanh nghiệp phải đối mặt với các thách thức đó là: Vấn đề về bảo mật; vấn đề về khả năng quản lý; năng suất lao động của doanh nghiệp.
Về vấn đề bảo mật, ông Du lấy ví dụ như khi ứng dụng các thiết bị di động vào các hoạt đông sản xuất kinh doanh của mình thì các vấn đề đảm bảo việc tuân thủ các chính sách bảo mật của công ty ra sao hoặc thực thi các chính sách bảo mật đưa xuống các thiết bị như thế nào? làm sao tránh thất thoát dữ liệu nhạy cảm đó ra bên ngoài… Nhận thức được những điều này, năm 2013 Samsung đã phát triển các bộ giải pháp Samsung Knox, với bộ giải pháp này giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo bảo mật dữ liệu một cách an toàn, cũng như triển khai nhanh chóng các thiết bị đầu cuối, giúp cho các doanh nghiệp đưa được thiết bị di động vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình…
Trước đó, tại phiên Hội thảo sáng nay, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng nhấn mạnh về những thách thức trong bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số và khẳng định trách nhiệm, nhiệm vụ của các doanh nghiệp an toàn thông tin, của Hiệp hội trong việc góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo dựng niềm tin số cho xã hội tại Việt Nam.