Câu chuyện về mức lương hay sự ảo tưởng của sinh viên mới ra trường luôn là đề tài thu hút tiếng cười và sự dè bỉu của dư luận.
Cách đây không lâu, một số sinh viên trường Đại học Ngoại Thương đã bị cư dân mạng “ném đá” không thương tiếc chỉ bởi tư tưởng: “Đã học ở trường này thì lương khởi điểm phải trên 1000 USD”.
Sự việc đó đã khiến dư luận và báo chí tốn khá nhiều giấy mực để tranh luận. Người bênh, kẻ chê, người bảo ảo tưởng, kẻ lại cho là biết đòi hỏi quyền lợi… Đương nhiên, kết luận đúng hay sai còn tùy thuộc vào góc nhìn cá nhân của mỗi người. Chỉ biết rằng sau sự việc “lùm xùm” trên, sinh viên của trường đại học đó bị ném cho những cái nhìn thiếu thiện cảm.
Vài ngày gần đây, cộng đồng mạng lại dậy sóng với câu hỏi của một nữ sinh viên trong buổi tọa đàm: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2000 USD/ tháng?”. Câu hỏi đó, một lần nữa trở thành con dao cứa vào những vết sẹo định kiến chưa kịp lành mà dư luận đã dành cho sinh viên.
Một cuộc tranh luận mới lại nổ ra, người ta lại có cơ hội đay đi đay lại sự ảo tưởng của giới trẻ, người ta lại được dịp thỏa mãn cái tôi của mình, cho phép mình được quyền công kích, đánh giá một cá nhân chỉ thông qua một câu hỏi.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng bản chất của hai sự việc đã nêu trên là hoàn toàn khác nhau. Mặc dù để tìm kiếm hai sự việc đó trên internet thì chúng ta vẫn phải sử dụng chung những từ khóa như “sinh viên mới ra trường”, “lương khởi điểm”, “ngàn đô”...
Nếu tôi là một nhà tuyển dụng đang bơi giữa hàng ngàn ứng viên, chắc chắn tôi sẽ chọn cô gái đó. Bởi câu hỏi mà cô gái đó đặt ra hoàn toàn là một sự cầu thị chứ không phải yêu cầu - “Em phải học tập và làm việc như thế nào để...?”. Nữ sinh viên đó không hề ngồi một chỗ để ước mơ mà cô ấy đã và đang từng bước tiến đến mơ ước của mình bằng cách tìm hiểu mục tiêu nhân sự của nhà tuyển dụng (và “có thể sẽ” trau dồi để mình trở thành người phù hợp với yêu cầu đấy)
Không những thế, câu hỏi “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2000 USD/ tháng?” đồng thời thể hiện được nhận thức của cô sinh viên với số tiền 2000 USD mà em nêu ra. Điều này trái ngược hoàn toàn với nhận thức của một số bạn sinh viên ở trường Đại học Ngoại Thương (đã nói ở trên).
Nếu như các bạn sinh viên Đại học Ngoại Thương coi 1000 USD là mức lương tối thiểu mà mình xứng đáng được nhận ngay sau khi ra trường, không cần cố gắng, không cần cầu thị thì với cô sinh viên trên, số tiền 2000 USD là thành quả mà nhà tuyển dụng phải trả nếu cô ta đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về “chất” và “lượng” cũng như mang lại nhiều giá trị thặng dư cho công ty chủ quản. Đó là thành quả của sự cố gắng phấn đấu chứ không phải điều kiện cần để “mời” những tân sinh viên về làm việc.
Vả lại, chính lối nghĩ phải khúm núm, phải “thấp kém” khi mới ra trường đã kìm kẹp sự phát triển và tư duy bùng nổ của các bạn sinh viên.
Vậy suy cho cùng thì cô sinh viên đó có gì đáng trách khi vừa xác định mục tiêu nghề nghiệp cho mình, lại vừa có tinh thần cầu thị?
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả