Làm sao để đối mặt với những nỗi sợ hãi

Làm sao để đối mặt với những nỗi sợ hãi

Thứ 5, 13/06/2013 18:04

Khi đối mặt với một nỗi lo sợ nào đó, người ta thường có xu hướng quay lưng trốn tránh để giải toả tâm lý đang đè nặng trong lòng. Nhưng giải pháp đó chỉ giúp ta tạm thời thoát ra khỏi nỗi sợ hãi mà thôi, còn trên thực tế nỗi lo sợ đó luôn hiện hữu trong tâm hồn ta và khống chế những hành động, suy nghĩ trong tương lai…

Trốn tránh nỗi sợ hãi

Bị người khác từ chối, bị thất bại, mất niềm tin, xuất hiện hay phát biểu trước công chúng, bị cô lập hay bị đe doạ, phải thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm, thói xấu của mình... là những nỗi lo sợ mà thông thường người ta hay gặp phải. Trong đó, bị mất niềm tin là nỗi lo sợ tinh thần mạnh nhất, thường xảy ra trong tình yêu, tình bạn và cả trong quan hệ công việc với đồng nghiệp. Niềm tin trước đó bị lung lay khiến chúng ta lo lắng và không còn nhìn nhận sự việc xung quanh một cách sáng suốt nữa. Nỗi lo sợ khi phải xuất hiện hay phát biểu trước công chúng là nỗi lo sợ lớn với nhiều người, phần lớn chúng ta đều cảm thấy lo lắng, mất tự tin.

Gia đình - Làm sao để đối mặt với những nỗi sợ hãi

Phương cách mà nhiều người xử lý khi đối mặt với nỗi lo sợ nào đó là tìm cách quay lưng trốn tránh, giải toả tâm lý lo lắng đè nặng trong lòng. Như khi đang có một công việc yên ổn, thuận lợi mà có sự thay đổi thì những người bị nỗi lo sợ ám ảnh sẽ lập tức tỏ ra lo lắng, lo sợ rằng mình sẽ không phù hợp với công việc mới, không thể hoàn thành công việc được và cuối cùng là họ sẽ tìm mọi cách để duy trì công việc trước đây, trốn tránh việc tiếp nhận công việc mới để khỏi phải suy nghĩ bận lòng.

Theo phân tích của chuyên gia tâm lý, mỗi người đều có một ngưỡng sợ hãi đặc trưng và tuỳ thuộc vào quá khứ, tâm thức và thói quen của mỗi người. Khi nỗi sợ hãi xuất hiện, thường khiến phản xạ của ta chậm hẳn lại và bản lĩnh vốn có lúc ấy dường như cũng tan biến đi đâu cả. Lúc ấy, nỗi sợ hãi xâm chiếm cả tâm trí, ta lập tức phụ thuộc vào nỗi lo sợ đó, sống với cảm giác đó và để nỗi sợ đó điều khiển, chi phối hoạt động của bản thân.

Khi phải đối mặt với một vấn đề mới khác hẳn các khuôn mòn trước đó, phần lớn người ta thường có xu hướng đi theo những phương cách, giải quyết theo lối cũ, tránh đối mặt với những khuynh hướng mới bởi tâm lý ngại đối mặt với những khó khăn, những nỗi lo mới. Chuyên gia tâm lý Lê Hiền (Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ) cho rằng, đó chính là sự nuông chiều bản thân và tư tưởng đó sẽ không mang lại sự thành công. Bởi để thành công, đạt được những mục tiêu đề ra, người ta phải có ham muốn được lo toan, gánh vác - chứ không phải là sự trốn tránh - để đối mặt với những việc, những vấn đề mà ta lo sợ phải làm. Ngược lại, việc trốn chạy nỗi lo sợ ban đầu có thể giúp ta cảm thấy thoải mái vì không phải động não, không phải cố gắng, không phải thay đổi gì cả. Và đến một lúc nào đó tĩnh tâm nhìn lại, ta sẽ nhận ra mình đã đánh mất, bỏ qua những cơ hội, những điều mà lẽ ra đã giúp ta thay đổi. Bởi trốn tránh những nỗi lo sợ từ trong tiềm thức cũng chính là tự bản thân đã tạo nên lối chắn trên con đường đi tới thành công. Sự thành công thật sự không bao giờ có bước chân của những người luôn chọn cho mình con đường an toàn, dễ dàng, con đường đã có người đi thành lối mòn. Đó chỉ là sự ngộ nhận, sự thành công trong khoảnh ao chật hẹp mà thôi. Chưa kể, cảm giác yếu đuối, bất lực, thất vọng và nuối tiếc sẽ đến khi sau này ta nhận ra mình đã không cố gắng hết sức, đã bỏ qua cơ hội.

Niềm tin, bản lĩnh, lòng dũng cảm sẽ giúp vượt qua nỗi sợ!

Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đi xuyên qua nó. Ta không thể vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ, hoài bão, mục tiêu của cuộc đời nếu không có bản lĩnh đối mặt và chấp nhận đi qua nỗi lo sợ, khó khăn và thử thách. Để đối mặt với những việc mà ta lo sợ phải làm thì trước tiên, phải có ham muốn được lo toan, gánh vác, bất chấp khó khăn. Không ai có thể giúp xua đi nỗi lo sợ trong tâm trí trừ chính bản thân chúng ta.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, để đi qua nỗi lo sợ nào đó, mỗi người cần tạo cho mình sự tự tin vào bản thân khi bắt đầu thực hiện công việc mà trước đó bạn rất lo sợ khi đối mặt. Nếu chỉ suy nghĩ: Không thể làm được, khó quá không thể vượt qua... thì có nghĩa phần thất bại đã cầm chắc trong tay. Nhưng chỉ cần tự nhủ: Ta sẽ làm được và cố hết sức cho việc đó thì khả năng tiến gần đến thành công chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Không chỉ cần tự tin mà còn cần phải có lòng dũng cảm để đối diện với nỗi lo sợ tiềm tàng trong tâm thức. Nỗi lo sợ phải đứng và phát biểu trước đám đông khiến nhiều người luôn từ chối, trốn tránh khi được giao làm việc đó. Nhưng chỉ cần dũng cảm quyết định đứng lên nói trước đám đông cũng có nghĩa là chúng ta đã vượt qua được nỗi lo sợ của bản thân. Dù lần phát biểu đó có khiến bạn hồi hộp, giọng nói bị run nhưng vấn đề quan trọng nhất khi đó không phải là sự thành công của buổi thuyết trình, mà quan trọng hơn là ta đã chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình. Và đương nhiên, từ chỗ không dám phát biểu trước đám đông, bạn sẽ có kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng ấy sẽ ngày càng hoàn thiện qua thời gian và sự rèn luyện của bản thân.

Trong cuộc đời, bất kỳ ai cũng có lần trải qua nỗi lo sợ nào đó, dù là người có bản lĩnh dũng cảm. Chỉ có điều, những người gặt hái được nhiều thành công thường bình tĩnh suy xét, tìm ra phương pháp hành động tốt nhất bất chấp nỗi sợ hãi đang bao trùm trong tâm trí. Đó là những người sống có niềm tin, có bản lĩnh, lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Ngược lại, nhiều người khác lại tìm cách để trốn tránh, không phải đối diện với nỗi lo sợ, đối diện với sự thay đổi. Theo các chuyên gia tâm lý, khi dám hành động, dám đối mặt trực diện, vượt qua nỗi lo sợ của bản thân thì khi đó người ta sẽ cảm thấy mọi việc trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Sai lầm lớn nhất mà người ta thường dễ mắc phải chính là tâm lý quá lo sợ việc phạm phải sai lầm, bởi thất bại chính là cơ hội để bắt đầu lại mọi việc một cách khôn ngoan hơn. Trong vô số những lời khuyên của các nhà tâm lý, có một lời khuyên đơn giản mà hiệu quả để thay đổi cuộc sống: Hãy thực hiện những việc mà bạn lo sợ phải làm và rồi những nỗi lo sợ này sẽ hoàn toàn tan biến. Bởi sự né tránh, trốn tránh một việc mà ta lo sợ để tìm sự thoải mái tạm thời trong tâm trí chỉ là cách tự lừa dối bản thân.

 Bảo Vân (Gia đình & Xã hội)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.