Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong Top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, và dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết trong năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số Công nghệ thông tin và Viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Dẫn dắt Toạ đàm "Chuyển đổi số ngành Tài nguyên môi trường - Bất động sản - Xu hướng và Giải pháp" được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn khối Doanh nghiệp, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT chia sẻ chuyển đổi số đã và đang tạo ra một nguồn tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang hình thành và phát triển nhanh chóng như: Dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu tài chính, dữ liệu đất đai, dữ liệu về bảo hiểm… cũng rất nhiều cơ sở dữ liệu cấp độ khác đang được hình thành.
Trong đó, dữ liệu đất đai luôn là một trong những cơ sở dữ liệu được Nhà nước, người dân và doanh nghiệp vô cùng quan tâm. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên đôn đốc các địa phương sớm đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào hoạt động.
Mặc dù đã có cơ sở dư liệu tương đối lớn, nhưng theo ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban CĐS Tài nguyên môi trường và Nông nghiệp VNPT cho biết hệ thống dữ liệu số về đất đai tại Việt Nam tuy có nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh.
Theo quan điểm của ông Thắng, trên thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều địa phương khi muốn tiếp cận với các nguồn thông tin chính thống còn gặp nhiều khó khăn, tồn đọng nhiều vấn đề như cò đất, buôn đất,… lợi dụng lỗ hổng về thông tin để kiếm lợi.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp start up, ông Ngô Mạnh Hà, Cố vấn Công nghệ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết cơ sở dữ liệu về việc minh bạch thông tin, quy họach, dữ liệu mang tính pháp lý,… là những yếu tố quan trọng nhất trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên hiện nay việc tra cứu thông tin quy hoạch vừa gây mất thời gian và vừa gây tốn chi phí cho các nhà đầu tư.
Ông Hà chia sẻ "Để có thể tìm kiếm thông tin quy hoạch của một mảnh đất, chúng ta phải đi lên bộ này, bộ kia để hỏi. Sau đó tiếp tục bỏ ra chi phí để lấy được thông tin, chưa kể trường hợp phải mất thời gian thêm vài ngày đến cả tuần để đợi nhận được những thông tin mà mình cần. Thủ tục như vậy còn tương đối rắc rối cho người dân".
Đồng tình với ông Hà, ông Phan Văn Hưng, Trưởng làng đô thị thông minh và công nghệ Bất động sản cho biết việc tiếp cận các thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay còn khá nhiều vướng mắc. Ông Hưng nêu quan điểm sở dĩ người dân khó khăn trong tiếp cận thông tin có thể đến từ vấn đề lợi ích giữa người cung cấp thông tin và nguời cần sử dụng thông tin.
Do đó, ông Phan Văn Hưng đề xuất nếu muốn công khai minh bạch tất cả các dữ liệu quan trọng về đất đai cần nhìn nhận từ nhiều phía, đánh vào việc công khai minh bạch các cơ sở dữ liệu đó đều sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên quan tâm đến kể cả là người cung cấp thông tin hay người tiếp nhận và cần tìm hiểu thông tin.
“Phải nghiên cứu làm thế nào để các “nhà” như nhà đầu tư, nhà nước đều nhận được lợi ích từ việc chia sẻ cơ sở dữ liệu đó thì tôi chắc chắn cơ sở dữ liệu đó sẽ được sớm hoàn thiện”, ông Hưng cho hay.