Làm sao để thị trường bất động sản giữ vững "ngôi vương" thu hút FDI?

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 5, 13/07/2023 12:08

Muốn bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm.

Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" được tổ chức sáng ngày 13/7 đã ghi nhận nhiều ý kiến về khả năng phát triển của thị trường bất động sản cũng như khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới.

Có nhiều lợi thế thu hút vốn FDI

Nhìn lại giai đoạn tăng trưởng những năm trước, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội chia sẻ thị trường bất động sản Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đóng góp 13-15% GDP, liên quan tới khoảng 40 ngành nghề, thu hút hàng triệu lao động.

"Lĩnh vực bất động sản tạo ra diện mạo đô thị, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam và nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân. Thế nhưng từ cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, hàng ngàn dự án dở dang", ông Khôi chia sẻ và cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 30,4% và thành lập mới giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế; chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và vương mắc về việc tiếp cận nguồn vốn. Chưa kể một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và nhìn chung, một số vấn đề “căn cơ” của thị trường chưa được giải quyết.

Bất động sản - Làm sao để thị trường bất động sản giữ vững 'ngôi vương' thu hút FDI?

Lĩnh vực bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nêu quan điểm về thực trạng đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định bất động sản là một trong các lĩnh vực rất thu hút nguồn vốn ngoại quốc chảy vào.

“Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần chuẩn hóa thị trường Việt Nam, từ đó tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tuấn khẳng định.

Luỹ kế từ trước đến nay, ông Tuấn cho biết cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư - đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Việc thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo ông Tuấn đánh giá do Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực như chính trị an toàn, tăng trưởng kinh tế ổn định, nhân lực dồi dào, địa lý thuận lợi,…

Tuy nhiên môi trường đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng tồn tại một số vấn đề như thủ tục phức tạp, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, và đặc biệt là thời gian gần đây, tín dụng và kênh trái phiếu doanh nghiệp bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Bất động sản - Làm sao để thị trường bất động sản giữ vững 'ngôi vương' thu hút FDI? (Hình 2).

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT đánh giá thị trường BĐS Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút FDI.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) năm 2023 mới đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD).

Như vậy, ngành bất động sản đã mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn FDI kể từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng vươn lên đứng vị trí thứ 2.

"Cửa sáng" nào cho BĐS có vốn FDI?

Dự báo thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng hết năm 2023 thị trường sẽ vẫn còn trầm lắng. Chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III năm 2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp dự báo trong giai đoạn 2023-2025 sẽ phát triển, nhất là khu công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao như mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ; góp phần nâng cao tính hiệu quả trong việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong dài hạn.

Tuy nhiên ông Khôi cũng nhấn mạnh việc cần đầu tư hạ tầng bên ngoài kết nối đồng bộ với bên trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiến hành hoàn thiện pháp lý, quy hoạch đồng bộ và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Bất động sản - Làm sao để thị trường bất động sản giữ vững 'ngôi vương' thu hút FDI? (Hình 3).

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Muốn bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ quan điểm Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề.

Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Cùng đó, khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.