Chiều 21/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm dự án hội và ghi nhận các nỗ lực thúc đẩy quyền giáo dục cho trẻ khuyết tật (TKT)”. Dự án được tổ chức Caritas (Thụy Sỹ) tại Việt Nam và Viện khoa học giáo dục phổi hợp thực hiện trong giai đoạn 2014-2017 tại Hà Nội và Hà Giang.
Dự án gồm 2 hoạt động chính là: Phát hiện, can thiệp sớm đối với TKT và hoạt động giáo dục hòa nhập. Với 3 hợp phần gồm: Kế hoạch hành động chung về phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho TKT với sự vào cuộc của ngành Giáo dục, Y tế, Lao động, cha mẹ và các tổ chức xã hội; Tăng cường năng lực; Nâng cao nhận thức, vai trò của các bên liên quan, nhân dân về quyền được giáo dục của TKT.
Tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Mực, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, dự án đã gió phần thực hiện công ước được giáo dục của trẻ em khuyết tật với sự tham gia của các bên liên quan. Dự án cũng đã có những ảnh hưởng tích cực ngoài mong đợi với sửa đổi chính sách theo hướng có lợi cho trẻ khuyết tật và chính sách liên quan tới giáo dục hòa nhập; chính sách xét duyệt mức độ khuyết tật. Trong thời gian tới, chúng ta phải làm sao để có nhiều địa phương được tiếp cận những Dự án như vậy, để trẻ khuyết tật có thể hội nhập với cộng đồng.
Chia sẻ với PV, thầy giáo Nguyễn Văn Oanh, trường tiểu học Yên Bình, Quang Bình cho biết: “Tại địa phương chúng tôi dự án đã góp phần cho chính cha mẹ các em khuyết tật hiểu và có phương pháp giáo dục tốt nhất với các em. Có em học đến lớp năm nhưng không làm được phép tính 1 con số, dẫn đến phụ huynh mặc cảm, học sinh mặc cảm. Sau khi được sàng lọc thì nhà trường và các tổ chức đã có được phương pháp giáo dục tốt nhất. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình mang ý nghĩa to lớn như vậy đến với nhiều địa phương trên cả nước”.