Trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức sáng 27/10, đại diện từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam và các đại biểu đã trình bày và thảo luật một số kết quả đạt được sau hơn một năm thực hiện EVFTA, cùng với đó là các thách thức phía trước.
Trong phát biểu của mình, ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam - đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của EVFTA trong quá trình phục hồi kinh tế và thương mại - đầu tư giữa EU và Việt Nam. Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là những mặt hàng như thủy sản và rau củ quả.
Đề cập đến ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 vừa qua đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói rằng 18 tháng qua là một trong những giai đoạn thử thách nhất đối với EuroCham.
Tại Việt Nam, 9/10 doanh nghiệp EU bị ảnh hưởng tiêu cực do đợt dịch thứ 4 và hơn 2/3 gặp vấn đề với vận tải và logistics. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cũng đã xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ đánh giá.
Gần đây mức độ lạc quan đang gia tăng do giảm giãn cách xã hội và giới hạn đi lại, cùng với đó là chiến dịch tiêm chủng diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên theo ông Cany, dịch bệnh chưa kết thúc hoàn toàn và còn nhiều thách thức đối với phục hồi kinh tế.
Một thách thức lớn mà EuroCham đánh giá là giới hạn về đi lại đối với các lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp, kể cả khi họ được tiêm chủng đầy đủ.
Về môi trường chính sách liên quan đến thương mại tại EU, ông Carsten Schittek - Tham tán Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam - cho biết hiện EU đang trong quá trình cải tổ sâu về chính sách, tập trung vào chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và sản xuất trung tính về carbon, dẫn đến khả năng ảnh hưởng đến chính sách thương mại.
Những rào cản trên đường xuất khẩu vào thị trường EU
Nhắc đến những lo ngại về "hàng rào vô hình" liên quan đến chính sách của EU về chuyển đổi xanh và bảo vệ môi trường, ông Schittek nói rằng EU thực sự cần thay đổi nhằm đối phó biến đổi khí hậu, đồng thời đã làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề này.
Đánh giá tình hình thực hiện EVFTA sau hơn một năm hiệp định này có hiệu lực, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương - cho biết các doanh nghiệp VN đang tận dụng EVFTA khá hiệu quả, đặc biệt về thủy sản, nông sản và một số mặt hàng công nghiệp.
Về các văn bản pháp luật liên quan đến EVFTA, ông Khanh cho rằng các bộ ngành đã nghiêm túc và bài bản trong rà soát, sửa đổi và xây dựng văn bản pháp luật về lao động, môi trường và các vấn đề khác nhằm đáp ứng với hiệp định này. Thêm vào đó, hơn 300 hội thảo, khóa tập huấn về EVFTA đã được tổ chức và cổng thông tin điện tử về EVFTA đã được xây dựng, hoàn thiện.
Các Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và Thuỵ Điển cũng đã bổ sung thêm thông tin chi tiết về tình hình và nhu cầu của một số thị trường EU. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho biết lĩnh vực thực phẩm, hóa chất đang tăng trưởng mạnh trở lại; một số ngành khác tăng trưởng chậm hơn nhưng sẽ sớm ổn định.
Trong khi đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển đi sâu vào bản chất và nhu cầu của thị trường Bắc Âu, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất; về thực phẩm thì có thể tập trung vào sản phẩm mới lạ, được quảng bá là có lợi cho sức khỏe và có chỉ dẫn địa lý đầy đủ.
Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn tiếp tục tồn tại trong quá trình thực hiện EVFTA. Theo ông Khanh, dư địa để thực hiện Hiệp định vẫn còn lớn và quá trình thực hiện có thể có hiệu quả cao hơn nếu các doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động ra bên ngoài các thị trường truyền thống. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần thêm thời gian thích nghi và phát triển năng lực cạnh tranh, hoặc còn tâm lý e dè với tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và chất lượng của thị trường nhiều nước châu Âu.
Thêm vào đó, ông Aliberti cho rằng cần cải thiện thủ tục hành chính và các quy định một cách có hệ thống. Một số quy định cần được sửa đổi, cải thiện, hiện đại hóa hoặc bỏ đi do lạc hậu hoặc khó thực hiện. Để EVFTA thực sự có hiệu quả, có lợi cho cả các doanh nghiệp EU và Việt Nam cần đến nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía Việt Nam.
Về tiềm năng thương mại giữa EU và Việt Nam sau đại dịch Covid-19, ông Aliberti nói rằng mấu chốt sẽ tiếp tục nằm ở mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu vào EU của doanh nghiệp Việt Nam, và khả năng thực hiện cải cách trong quản lý của Chính phủ Việt Nam.
Đóng góp cho phiên thảo luận cuối diễn đàn, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham, nhìn nhận rằng EVFTA sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, xu hướng sắp tới của các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam là đi sâu đầu tư giá trị cao, tăng hàm lượng chất xám, nâng cấp cơ sở hạ tầng, có khả năng lập trung tâm R&D tại VN. Do đó, giới quản lý và doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần nắm bắt kịp thời cơ hội này.
Xem thêm:
“Thị trường EU như miếng bánh, đến càng sớm càng ăn được nhiều”
[Info] Nhìn lại một năm thu “quả ngọt” từ Hiệp định EVFTA