Đường xe chạy vào tiểu khu 105. |
Tháng 5/2013, Cty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương phát hiện rừng phòng hộ ở tiểu khu 105, đầu nguồn sông Chò thuộc địa bàn xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), thuộc lâm phận của Cty bị chặt phá.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa tổ chức kiểm tra, xác định đã có 19 ha rừng thuộc trạng thái IIIA3 (rừng giàu) và 6,3 ha rừng thuộc trạng thái IIB (rừng non tái sinh) ở tiểu khu 105 bị phá trắng. Ước tính, khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 6.300m3. Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT, Công an huyện Khánh Vĩnh để điều tra theo quy định của pháp luật.
Trong văn bản báo cáo về vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Cty Lâm nghiệp Trần Hương có biện pháp thu hồi số cây gỗ bị chặt phá ở tiểu khu 105 sau khi cơ quan chức năng đã giám định hiện trường, để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, mới đây, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Trần Hòa Nam, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng, có thể phải tiến hành tiêu hủy số gỗ ở diện tích rừng bị phá trắng tại tiểu khu 105. Dẫn ý kiến của Cty Lâm nghiệp Trầm Hương, ông Nam nói, từ huyện Khánh Vĩnh lên vị trí rừng bị phá ở tiểu khu 105 phải mất 2 ngày, điều kiện không cho phép đưa phương tiện cơ giới lên đó. Phương án đưa gỗ ra khỏi rừng không khả thi, vì phải làm đường, rất tốn kém kinh phí.
Để xác thực lời ông Chủ tịch huyện, từ phía thôn Sông Chò, xã Cư San (M’Đrắk, Đắk Lắk), ngày 18/7 phóng viên báo Tiền Phong đã đi theo lối xe ô tô vào rừng, để tới khu vực rừng bị phá ở tiểu khu 105. Ngay tại đây, chúng tôi còn phát hiện hai chiếc xe máy giấu trong bụi cây. Như vậy, đã có sẵn lối vào tiểu khu 105 đưa gỗ ra.
Trong khi đó, trả lời báo chí bằng một văn bản viết tay, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ nói, số gỗ ở khu vực rừng bị phá tại tiểu khu 105 là tang vật của vụ án, việc xử lý phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Ông không đề cập tới việc yêu cầu Cty Lâm nghiệp Trần Hương có biện pháp thu hồi số cây gỗ bị chặt phá ở tiểu khu 105, như kiến nghị của Chi cục Kiểm lâm.
Chủ rừng là Cty Lâm nghiệp Trầm Hương đã không bảo vệ được hơn 25 ha rừng khỏi sự chặt phá. Hiện nay, dường như các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa cũng chưa có chỉ đạo kiên quyết nào với chủ rừng, để giảm bớt thiệt hại do vụ phá rừng gây ra. Ước tính theo giá thấp nhất, số cây gỗ đang nằm trong diện tích rừng bị chặt phá ở tiểu khu 105 cũng có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tiêu hủy số cây gỗ này, đồng nghĩa với việc đốt hàng chục tỷ đồng.
Ước tính theo giá thấp nhất, số cây gỗ đang nằm trong diện tích rừng bị chặt phá ở tiểu khu 105 cũng có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tiêu hủy số cây gỗ này, đồng nghĩa với việc đốt hàng chục tỷ đồng. |
Theo Tiền phong