Lâm tặc ngang nhiên 'uống máu' rừng ở khu bảo tồn (1)

Lâm tặc ngang nhiên 'uống máu' rừng ở khu bảo tồn (1)

Thứ 7, 25/05/2013 08:47

Đã từ lâu, tại khu bảo tồn Kim Hỷ (Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vẫn tồn tại một con đường máu được bọn lâm tặc thiết kế để tuồn gỗ nghiến lên các tỉnh biên giới tiêu thụ.

Từ con đường này, hàng trăm cây nghiến ngược lên chợ thớt vùng biên. Tận sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn Kim Hỷ, những "cụ nghiến" hàng ngàn năm tuổi ngày đêm bị cánh lâm tặc xuống tay xẻ thịt. Sau tiếng cưa máy khô khốc, khi mà những cây nghiến trăm năm tuổi gục ngã, bọn chúng hả hê nghĩ tới những đồng tiền kiếm được từ việc "uống máu rừng". Đồng hành cùng những kẻ phá rừng là đám vàng tặc đang ngày đêm khoét núi, lùng sục thứ kim loại quý giá này.

Cái đích mà chúng tôi tìm đến chính là đỉnh núi Cốc Khoang (thuộc địa phận xã Ân Tình, huyện Na Rì). Đây là ngọn núi nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn Kim Hỷ và được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Sau hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường đất lởm chởm đầy những ổ trâu, ổ voi, chúng tôi mới đặt chân đến thôn Thẳm Mu (xã Ân Tình, địa điểm tiếp giáp với núi Cốc Khoang).

Anh chàng thổ địa tên B.X.H (25 tuổi) đã chờ chúng tôi ở đầu thôn. Khi khách vừa vào nhà, H. khom người, với tay xuống dưới gậm giường rồi đưa cho chúng tôi mỗi người một đôi giày ba ta làm hành trang leo núi. Được biết, nhà H. có nương ngô nằm trên đỉnh Cốc Khoang. Ăn, ngủ trên núi mấy năm liền, gã thổ địa này đã biết được nơi tập kết của những tên lâm tặc "xẻ thịt" gỗ nghiến.

Vật vã lên đại công trường xẻ thịt nghiến cổ thụ

Sau khi mượn được mấy bộ quần áo, ngụy trang giống những cư dân bản địa, tôi và người đồng nghiệp nói với H. rằng đã sẵn sàng đi mục sở thị nơi tập kết gỗ nghiến của lâm tặc. Biết PV tò mò, H. vội chạy vào bếp một lúc rồi cầm trên tay một túi đồ được gói bằng lá chuối tươi.

Anh chàng thổ địa khoe: "Chẳng mấy khi nhà báo đến thăm, tôi mang theo ít cơm nếp nương và con gà luộc. Hơn nữa, đi rừng mệt lắm, trên ấy lại chẳng có gì ngon để ăn cả. Khi nào đói thì, mình bỏ ra ăn lấy sức xuyên rừng. Nói xong, H. xách chiếc ba lô trên vai, nheo mắt nhìn về phía ngọn núi Cốc Khoang cao lừng lững bảo chúng tôi lên đường.

Theo kinh nghiệm của gã thổ địa này thì hôm nay những khách du lịch phủi như chúng tôi sẽ không phải đối diện với cơn ác mộng là những cơn mưa rừng.

Việt Nam Xanh - Lâm tặc ngang nhiên 'uống máu' rừng ở khu bảo tồn (1)

Một thân cây nghiến khổng lồ bị đốn hạ

Mặc dù năm nay mới 25 tuổi nhưng nhìn H. già như đang ở độ tuổi tứ tuần. Chắc có lẽ bao nhiêu năm qua, do gia đình nghèo, vất vả để kiếm đường mưu sinh nên gã trai này mới già trước tuổi như vậy. Người H. gầy gò, đen đúa, da mặt bóng nhoáng vì cháy nắng. Đi đường, nói chuyện với chúng tôi, gã thổ địa này tâm sự, ở quê anh, 25 tuổi mà vẫn lính phòng không đồng nghĩa với việc bị coi là ế.

Mấy người bạn của H. đã lấy vợ và có con bế từ mấy năm rồi. Nhìn chúng bạn yên bề gia thất, H. cũng thèm lắm, nhưng cái duyên vẫn chưa đến. Gã cứ hễ động vào cô nào là cô đó đi lấy chồng. Bố mẹ giục con trai lấy vợ mãi không được cũng nản lòng. Mấy năm qua, H. chỉ làm bạn với nương ngô trên đỉnh Cốc Khoang. Thỉnh thoảng mới xuống núi về nhà lấy thực phẩm và thăm họ hàng.

Có lẽ phải đích thân thâm nhập thì chúng tôi mới thấy được nỗi khổ và cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây. Bởi con đường chính dẫn lên Cốc Khoang ngoằn ngoèo và khó đi như đang lên đỉnh trời. Nhiều đoạn PV và người dẫn đường muốn lách qua những vách đá dựng đứng và bụi cây rậm rạp phải bò người ôm vào mỏm đá mới qua được.

Dọc đường đi là thế giới của những cây lá Han (một loại cây rừng có gai độc). Khi bị cây này chạm vào, toàn thân chúng tôi bị đỏ tấy, ngứa rát như muốn lột da. Nhiều lúc nếu không được sự động viên của H. có lẽ tôi và người đồng nghiệp đã nghĩ đến việc bỏ cuộc giữa chừng.

Đường lên núi nhiều đoạn dốc đứng nên chúng tôi phải liên tục nghỉ giữa chừng. Theo quan sát của PV, dọc đường đi có khá nhiều khúc gỗ nghiến bị cắt nham nhở ném lăn lóc hai bên đường. H. cho biết, đây là những cây nghiến bị sâu hoặc có lõi không đạt nên lâm tặc bỏ lại.

Bọn chúng rất kén chọn trong việc lấy gỗ nghiến làm thớt. Có trường hợp "cụ nghiến" to đến vài người ôm, cưa mất cả ngày mới đổ nhưng nếu bị lỗi chúng vẫn để lại. Nhiều khi phải đốn hàng chục cây, bọn lâm tặc mới tìm được một cây đạt tiêu chuẩn. Sau khi đốn hạ, chúng cắt thành khoanh rồi chuyển đến nơi tập kết, H. nói.

Quặn lòng đứng trước "nghĩa địa nghiến"

Sau hơn một giờ leo núi, PV và người dẫn đường tên H. mới đặt chân đến đỉnh Cốc Khoang. Lúc vừa đến nơi, chúng tôi như khựng lại bởi khung cảnh chốn này. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt PV là hàng chục gốc nghiến lớn đang nằm lăn lóc dưới đất. Phía xa hơn, những thân nghiến cổ thụ dài cả chục mét đặt chồng chéo lên nhau.

Tất cả những thân cây này đều bị cắt bằng cưa máy nên bề mặt rất nhẵn. Khi chúng tôi hỏi vì sao khi đã đốn hạ được cụ nghiến, bọn lâm tặc lại không cắt khúc mang đi, H. đau đớn trả lời: "Mặc dù một số cây to nhưng thân bị sâu đục khoét, biết cắt thành thớt bán không được giá nên bọn chúng bỏ lại.

Bên cạnh đó cũng có lúc đang chặt hạ, thấy có động, lâm tặc bỏ của chạy lấy người. Sau này, khi biết an toàn, chúng định quay lại chỗ cũ để cắt khúc đem ra ngoài nhưng đã quên mất đường. Đây là vùng lõi của khu bảo tồn nên kiểm lâm rất khó để phát hiện ra lâm tặc.

Hơn nữa, bọn "uống máu" rừng rất tinh tường, chỉ cần có động là chúng lập tức chạy đi tìm chỗ hang hốc để ẩn náu. Đến khi nào yên ắng, bọn chúng mới mò ra ngoài.

Chúng tôi đang chăm chú quan sát và chụp ảnh thì H. tiến lại gần và tiết lộ rằng, mấy hôm trước anh đã phát hiện ra mấy tên lâm tặc đang xẻ gỗ. Lúc tôi đang ở nương ngô thì nghe thấy tiếng cưa máy ầm ầm phía dưới. Bỗng lúc sau, lũ chim rừng kêu inh ỏi rồi bay nháo nhác.

Tôi cầm theo con dao quắm rồi cứ thế phát cành cây tiến lại nơi mà đàn chim vừa bay đi. Sở dĩ, tôi không đi đường mòn vì sợ sẽ chạm mặt lâm tặc. Khi tôi đến nơi thì bọn "xẻ thịt" gỗ nghiến vừa rút đi. Thì ra, chúng quay lại để cắt khoanh tẩu tán hai cây nghiến đã bị đốn hạ cách đây mấy tháng.

Mùn cưa vẫn còn mới, chúng chỉ kịp vác đi mấy khoanh gỗ để tuồn vào chợ thớt. Khi thấy đàn chim bỗng nhiên bay nháo nhác, lâm tặc tưởng kiểm lâm đến nên chạy trốn. Lúc sau, tôi mới biết, đàn chim kêu inh ỏi vì gặp rắn hổ mang, H. thổ địa kể lại.

H. còn cho biết thêm, mấy năm trước đây, núi Cốc Khoang còn rất nhiều nghiến hàng trăm năm tuổi. Thậm chí, có những "cụ nghiến" mà cả 5 người ôm không xuể. Tuy nhiên, từ khi "có hơi" của bọn lâm tặc, rất nhiều cây nghiến đã không cánh mà bay. Hiện tại theo H., chỉ còn khoảng 4-5 cây cổ thụ còn bám trụ được với rừng.

Điều đáng báo động là những cây to còn sót lại này đã bị lâm tặc "đánh hơi" được, chẳng thế mà trên thân cây có mấy vết cưa nham nhở. Theo H. nếu thời gian tới những "cụ nghiến" này không được bảo vệ tốt sẽ biến thành những khoang gỗ ở chợ thớt nơi biên giới.

Vương Chân - Quyết Hồng 

Kỳ 2: Thâm nhập chợ thớt vùng biên và bí ẩn cung đường vận chuyển gỗ quay

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.