Lâm tặc trêu tức Chủ tịch huyện?
Như báo Người Đưa Tin đã thông tin với bạn đọc về cung đường gỗ lậu tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã gấp rút vào cuộc điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc cơ quan chức năng điều tra ra cả một “đường dây” gỗ pơ mu lậu đã và đang hoành hành tại Yên Bái là một vấn đề không hề đơn giản. Tại thời điểm khi PV Người Đưa Tin tiếp xúc với lãnh đạo huyện Trạm Tấu cũng nhận thấy công tác phối hợp bảo vệ rừng tại huyện này còn khá nhiều bất cập.
Nói như Chủ tịch huyện Trạm Tấu Nguyễn Văn Xa thì ngay cả bản thân ông và gia đình cũng bị theo dõi thì chuyện không hề đơn giản. “Nhiều lúc thấy có chiếc xe chuyên chở gỗ lậu chạy qua địa bàn, anh em chặn lại thì lại là xe không. Nhiều lúc các đầu xe này cứ chạy đi chạy lại như để trêu tức... Cứ thấy cán bộ huyện lên Bản Mù là mọi chuyện dường như im ắng đến khác lạ”.
Chủ tịch huyện thì cương quyết bắt gỗ lậu, nhưng đổi lại các bộ phận chuyên trách bảo vệ rừng thì dường như “lập lờ” trách nhiệm. Bởi theo lý giải của một cán bộ Hạt kiểm lâm huyện thì có một số đồng chí đang... “chờ hưu”, một số đồng chí mới về nhận nhiệm vụ. Dư luận cho rằng phải chăng đây chính là “kẽ hở” để những tay buôn lậu gỗ hoành hành?.
Để làm rõ hơn vấn đề có hay không những trùm buôn lậu gỗ pơ mu tại huyện Trạm Tấu, chúng tôi đã phải vào khá “nhiều vai” mới có thể khai thác được “quy luật” của giới buôn gỗ lậu này.
Nói ra thì có vẻ to tát nhưng thực chất để đi vào được bãi gỗ Tà Ghêng không hề đơn giản. Phương tiện duy nhất để tiếp cận là xe Win và chở gỗ ra được tới xã Bản Mù cũng chỉ có thương hiệu của chính chiếc xe này.
Tại xã Bản Mù có đến vài điểm chuyên sửa xe máy, đây chính là những điểm lý tưởng để những tay gỗ lậu “cài cắm” người để theo dõi mọi di biến động của người lạ cũng như các cơ quan chức năng từ huyện vào.
Thời điểm PV tiếp cận xã Bản Mù cũng được biết, một người tên T. tại xã Bản Mù sắm hẳn một chiếc xe cày kiểu “độ” để vận chuyển gỗ nhưng đến khi hỏi Hạt kiểm lâm huyện Trạm Tấu thì ai cũng lắc đầu nói không.
Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi chuyện bảo vệ rừng là “không của riêng ai” đã khiến cung đường gỗ pơ mu hoạt động nhộn nhịp và tất nhiên số tiền thu được từ cung đường gỗ lậu này rơi vào tay những ông trùm gỗ và những “siêu lâm tặc giấu mặt”.
Con đường khùng khục những ổ gà ổ voi, lởm chởm những đá sắc nhọn dường như cũng chịu thua những con Win chiến mang trên mình hàng tạ gỗ pơ mu đêm ngày gầm rú. Nói như M., một tay đi mua gỗ tại huyện Nghĩa Lộ thì chuyện mua bán ở đây là bình thường. Có hai hình thức mua bán, như M. thì là buôn tận gốc bán tận ngọn, tức là trực tiếp vào Tàng Ghêng mua gỗ rồi chuyển về các huyện để bán.
Hình thức thứ 2 là đội chuyên xẻ gỗ rồi bán lại cho một ông chủ giấu mặt tại huyện, đại đa số những người thuộc đội xẻ gỗ này là người địa phương, cụ thể là những trai bản có độ tuổi từ 16 trở lên. Những trai bản này trực tiếp vào rừng lấy gỗ rồi chở ra gần Bản Mù để bán với giá 1 triệu đồng/1 chuyến.
Thời điểm giao gỗ, tập kết gỗ chỉ được thực hiện khi có điện đàm của ông chủ gỗ, các cung giờ này tùy thuộc vào đội ngũ “chim lợn” báo lại. Nếu tình hình ổn, không có dấu hiệu khác lạ thì lập tức gỗ từ Tàng Ghêng sẽ được chuyển ra Bản Mù, tiếp đó sẽ có những con xe kiểu du lịch đã được tháo ghế bốc hàng và vận chuyển đi tiêu thụ.
Mánh khóe trùm gỗ
Trở lại những tiết lộ bất ngờ từ V., về ông trùm gỗ lậu tại huyện Trạm Tấu: “Chỉ khi nào ông chủ cần gỗ thì bọn em mới đi lấy được, bây giờ gỗ cũng gần hết rồi, xẻ gỗ cũng không hề đơn giản. Trời nắng thì đi được, gặp trời mưa thì kể cả xe đã cuốn xích cũng không thể vượt đèo nổi”?
Hỏi về danh tính những ông trùm gỗ này thì V. chỉ sơ sơ: “Em cũng không biết rõ lắm, chỉ biết ông ấy ở dưới huyện, điểm tập kết gỗ khi thì ở Bản Mù, khi thì chúng em trở bằng xe máy xuống gần huyện...”. Khi tôi hỏi, "xẻ gỗ, phá rừng là vi phạm pháp luật, em không sợ bị bắt à" thì V. hồn nhiên cười: “Cũng chả biết làm gì, thấy bảo xẻ gỗ có tiền thì mình đi làm thôi”.
V. bảo: “Em mới lấy vợ được mấy tháng cũng muốn có một công việc làm ổn định nhưng khó quá vì không có trình độ, mà nói về gỗ pơ mu thì Chủ tịch xã chỗ em có ngôi nhà pơ mu hoành tráng nhất, nghe đâu cũng đến vài tỉ”.
Một “mánh” nữa mà trùm gỗ Yên Bái đi đúng luật đó là, những chuyến hàng chẳng may bị bắt, đến phiên đấu giá công khai thanh lý thì người mua có lẽ chẳng ai khác là “chân rết” của gã. Cái tên P. “vịt” mà nhiều lái gỗ nhắc đến khá nhiều trong hành trình thâm thập của PV báo Người Đưa Tin. Đem câu chuyện về thanh lý gỗ tại hạt như thế nào thì cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Trạm Tấu cho rằng có đấu giá công khai minh bạch.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao suốt một thời gian dài đường dây gỗ pơ mu hoành hành tại Trạm Tấu nhưng các cơ quan chức năng không hề biết, hay biết nhưng cố tình làm ngơ? Có hay không chuyện “làm luật” giữa kiểm lâm và những chủ gỗ rừng là vấn đề các ban ngành chức năng tỉnh Yên Bái phải làm rõ và đưa ra ánh sáng.
Thông tin mới nhất từ lãnh đạo tỉnh Yên Bái thì nhiều cán bộ kiểm lâm huyện Trạm Tấu sẽ bị đề xuất mức độ xử lý. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm ở đây đó là xử lý như thế nào? Ai phải là người chịu trách nhiệm chính, có làm rõ được chuyện “bảo kê” hay không? Câu chuyện này có lẽ là rất dài đối với công tác bảo vệ rừng tại tỉnh Yên Bái.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Phạm Dương - Nguyễn Bắc