Cách bảo quản thực phẩm
Tủ lạnh thường là nơi cất giữ thực phẩm an toàn và tin tưởng nhất của mọi người,nhất là trong dịp tết. Tuy nhiên, thực phẩm trong tủ lạnh vẫn có thể nhanh hư hỏng, gây ngộ độc nếu chúng ta không biết bảo quản cẩn thận.
(Ảnh minh họa)
Phải tổng vệ sinh tủ lạnh thật sạch trước khi cất giữ thực phẩm. Ngoài ra, hàng ngày phải dùng khăn mềm lau bên trong tủ.
Cần chú ý gói riêng mỗi loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Không nên chồng chất quá nhiều thực phẩm lên nhau làm giảm độ lạnh của tủ.
Bỏ riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín. Việc này sẽ dễ dàng nếu tủ có ngăn riêng, trường hợp tủ lạnh không có ngăn riêng biệt thì thực phẩm sống để ngăn dưới, thức ăn chín để ngăn trên.
Mỗi loại thực phẩm có một nhiệt độ bảo quản riêng nên cần lưu ý đến nhiệt độ cho từng loại khi đưa vào tủ. Bạn có thể tham khảo một số cách bảo quản cho từng loại sau:
- Với các loại thịt, bạn nên chia nhỏ từng miếng với độ dày không quá 10 cm để nhiệt độ đi sâu được vào trung tâm.
- Cá tươi cần làm sạch, bỏ mang, ruột rồi đóng gói riêng, sau đó bảo quản trong ngăn đá (-180C ). Thời gian lưu giữ được khoảng 2 tuần.
- Rau, trái cây, thức ăn đã nấu chín phù hợp với nhiệt độ khoảng 6- 8 độ C. Với mức nhiệt độ đó, thực phẩm được bảo quản tốt trong một, hai ngày.
Cần lưu ý, để bảo quản rau quả và thực phẩm tươi lâu các bạn có thể gói giấy hoặc dùng loại nilon mỏng chuyên dùng để gói thực phẩm.
- Bánh chưng, bánh tét là món ăn quan trọng không thể thiếu trong suốt những ngày tết. Hai loại bánh này cũng có thể bảo quản được trong ngăn mát của tủ lạnh và cũng chỉ nên giữ khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên cũng không nên để quá lâu trong tủ sẽ làm bánh bị biến chất thậm chí ôi, thiu.
- Với món thịt đông, thịt kho trứng, bạn nên chia ra thành từng phần nhỏ đủ dùng trong một bữa rồi hãy cất trong tủ lạnh sẽ hạn chế được ôi thiu.
Lưu ý là các món ăn trước khi cho vào hộp kín cần để nguội.
Cách xử lý ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường gia tăng mạnh vào những ngày tết. Vì thế việc xử lý nhiễm độc thực phẩm rất quan trọng và cần thiết.
Triệu chứng
Buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể gây ra suy sụp cơ thể do mất nước, mất điện giải, sốt cao 38 - 39 độ C, rét run, đau mỏi toàn thân, đó là những triệu chứng xuất hiện sau 1-3 giờ từ khi ăn nhầm các thức ăn bị biến chất.
Nặng hơn có thể dẫn đến huyết áp thấp, mạch nhanh, dễ có trụy tim mạch.
Cách xử lý
Khi xuất hiện những triệu chứng nói trên, bạn cần phải loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn để ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngộ độc thực phẩm thường gây mất nước nên sau đó cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol.
Lưu ý: pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol để pha làm nhiều lần. Nếu không có oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn. Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Nếu không có dấu hiệu tiến triển bạn cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, tránh sử dụng tùy tiện các loại thuốc, đặc biệt là những thuốc làm giảm nhu động ruột như loperamid, diphenoxynat. Việc sử dụng các loại thuốc trên mà không theo chỉ dẫn của y, bác sỹ có thể làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, do đó càng làm cho tình trạng nhiễm độc nặng hơn.
Khánh An