Giữ thái độ điềm tĩnh ôn hòa, hạn chế tối đa sự gay gắt khi tranh luận
Thái độ, cử chỉ là yếu tố rất quan trọng trong mọi cuộc tranh luận. Nó có thể tác động đến xung đột hay hòa bình. Một người tỏ thái độ gay gắt, cực đoan và nóng giận sẽ không bao giờ có kết quả tốt mà còn gây xấu đi tình hình, phá hỏng các mối quan hệ.
Giữ thái độ điềm tĩnh và ôn hòa khi tranh luận sẽ hạn chế được các tình huống xấu phát sinh, không làm người khác khó chịu và xoa dịu sự căng thẳng nếu có. Điều này cũng làm cho đối phương muốn nghe bạn trình bày hơn kể cả có bất đồng quan điểm với bạn.
Kiên trì lắng nghe và tỏ rõ thái độ tôn trọng ý kiến của người khác
Hãy để người khác thoải mái bày tỏ và lắng nghe một cách hào hứng, chân thành nhất trước khi bạn chủ động đưa ra lời phản biện của mình. Lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác nhau là cách hay nhất để người khác cũng đối với bạn như vậy. Bạn có thể bày tỏ sự khen ngợi, đồng thuận, khích lệ để tạo thiện cảm hơn với họ.
Tập trung vào chủ đề chính
Không đề cập chuyện không liên quan đến nội dung tranh luận để tác động giành phần thắng. Chẳng hạn lấy chuyện đời tư, sai lầm trong quá khứ hoặc về ngoại hình, tính cách, điểm yếu... để nhằm mục đích công kích cá nhân. Nếu làm vậy đối phương sẽ cảm thấy bị xúc phạm và phản kháng mạnh mẽ hơn. Thay vào đó hãy trình bày quan điểm tập trung vào chủ đề chính và các vấn đề liên quan.
Dùng luận điểm, luận cứ cụ thể, rõ ràng
Dùng các luận điểm rõ ràng, nếu có thể hãy thu thập và chuẩn bị số liệu chính xác nhất. Nghiên cứu cho thấy đa số thường có xu hướng bị thuyết phục bởi các số liệu cụ thể được sắp sếp logic, khoa học, bạn cũng nên sử dụng biểu đồ để minh họa.... Nắm rõ nguyên tắc lời nói đi đôi với chứng cứ để chắc chắn thành công.
Để làm được điều này bạn cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và phản biện để người khác dễ nghe dễ hiểu. Khả năng nắm bắt tâm lí cũng rất quan trọng. Hãy thuyết phục để người khác cảm thấy vui vẻ và tự nguyện khi chấp nhận ý kiến dù khác biệt của bạn.
Khiêm tốn nhưng tự tin, kiên định
Mọi người có xu hướng bị thuyết phục và cuốn hút bởi người khiêm tốn nhưng tự tin, hiểu rõ bản chất vấn đề sâu rộng, khách quan và từ nhiều phương diện. Do đó bạn nên tránh thái độ tự cao tự đại, cực đoan mà nên giữ sự tự tin, hiểu biết khi tranh luận, giữ lập trường vững chắc, nhất quán.
Tìm đồng minh
Một người sẽ thành công nếu như chứng minh được người thứ ba cũng đồng ý với ý kiến của mình. Cũng giống như khi bạn tham gia vào các buổi phỏng vấn tiếng Anh hoặc tiếng Việt, nhà tuyển dụng thường hỏi về người tham khảo – người có thể đưa ra ý kiến khách quan về kỹ năng, tính cách và thái độ làm việc của bạn. Do đó, trước khi bước vào cuộc tranh luận để nắm chắc phần thắng bạn nên tìm “đồng minh”. Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu chứng minh được những gì bạn đưa ra đã được nhiều người chứng thực trong thực tế. Bạn cũng cần đặt mình vào vị thế của đối phương để hiểu và cảm nhận những cảm xúc của họ từ đó có cách ứng xử thuyết phục, tạo niềm tin và sự đồng cảm, mối tương đồng giữa họ và bạn.
Sẵn sàng nhận lỗi một cách kịp thời và chân thành nếu như bạn sai
Nếu bạn nhận ra sai lầm của mình khi tranh luận thì lắng nghe và nhận lỗi thay vì cố gắng đi tìm những lí lẽ bao biện là điều nên làm. Sẵn sàng nhận lỗi là cách ứng xử văn minh và tạo sự thuyết phục cho người khác hiệu quả nhất. Nhận ra sai lầm cũng là cách giúp tìm ra cách sửa chữa và có những quyết định sáng suốt trong công việc. Đừng cố giành lấy chiến thắng bằng mọi giá khi mà ý kiến của bạn chưa thực sự là giải pháp tốt nhất.
Tranh luận là điều không thể thiếu trong cuộc sống và cả công việc. Bản chất của tranh luận là cùng đưa ra ý kiến, bàn bạc và chọn lọc điều tốt nhất để cải thiện chất lượng công việc hoặc đưa ra giải pháp cho một vấn đề nào đó tốt hơn. Nắm rõ được các nguyên tắc trên giúp bạn có một cuộc tranh luận đúng với ý nghĩa và vai trò của nó. Tuyệt đối nên tránh gây hấn cá nhân ngay khi ý kiến bạn không được chấp nhận, điều này dễ tạo xung đột. Và cuối cùng, cố gắng nhìn nhận vấn đề thật sâu rộng và rèn luyện khả năng giao tiếp để thành công.
Đặng Hảo