Một người đàn ông tên Bo Chunlou, 51 tuổi, đã tìm thấy một vật thể lạ dài 10 cm, rộng 6,8cm sau khi ông làm thịt một con lợn nái 8 tuổi tại trang trại của mình ở huyện Ju, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.
Con lợn nặng 250kg có vật thể lạ lớn bên trong túi mật khi nó bị giết. Những người hàng xóm nói với ông rằng nó có giá trị chữa bệnh rất lớn.
Lúc đầu còn nghi ngờ, Bo và con trai Bo Mingxue, 26 tuổi, đã tới thành phố Thượng Hải và chi 4.500 bảng Anh để được các chuyên gia thẩm định.
Hai cha con được các chuyên gia thông báo rằng, vật thể này được gọi là cát lợn. Với kích cỡ này nó có giá lên tới 450.000 bảng Anh (14 tỷ đồng).
Những người hành nghề y học cổ truyền Trung Quốc gọi cát lợn là báu vật và tin rằng nó có thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, khiến cát lợn trở thành một loại hiếm và có giá trị. Theo các chuyên gia, những viên cát lợn chỉ có giá trị nếu được tìm thấy trong túi mật của con vật. Nếu cát lợn tìm thấy trong dạ dày không có giá trị gì.
Theo Wikipedia, cát lợn, còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học.
Cát lợn được tích tụ theo thời gian, nên thường gặp ở lợn nái sinh sản lâu năm, có khối lượng đến vài trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi thảo mộc.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp phát hiện được cát lợn khi giết mổ lợn tiêu biểu là Trung Quốc. Có nhiều thông tin cho rằng, cát lợn có giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về những giá trị y học cũng như kinh tế mang lại của cát lợn.
Ngoài lợn, ở một số loài vật khác cũng có hiện tượng kết tinh thành sỏi trong cơ thể và được cho là có giá trị y học như: sỏi mật trâu (ngưu hoàng), sỏi mật ngựa (mã bảo), sỏi mật khỉ (hầu táo), sỏi mật chó (cẩu bảo).
Hải Vân (T/h)