Hoa mắt vì “quỹ trường”, “quỹ lớp”
Tại Trường tiểu học An Lạc 1, quận Bình Tân, nhiều phụ huynh bức xúc khi nhà trường tổ chức học toán, khoa học bằng tiếng Anh với chi phí 500.000 đồng/tháng/học sinh. Mỗi tuần học hai tiết (35 phút/tiết). Như vậy, với 48 học sinh/lớp, chi phí cho một tiết học 35 phút là 3 triệu đồng.
Cũng tại quận Bình Tân, Trường tiểu học Lê Trọng Tấn vận động phụ huynh lớp 1 đóng 1 triệu đồng/học sinh tiền trang bị máy lạnh, 500.000 đồng tiền mua ti vi và 40.000 đồng tiền điện/tháng. Các khoản thu mang danh nghĩa vận động này không có biên lai thu mà chỉ ký sổ. Phụ huynh đồng ý đóng góp tiền mua máy lạnh, ti vi phải cam kết khi hết năm học sẽ để lại cho nhà trường.
Tại quận Tân Phú, nhiều phụ huynh có con vào lớp 10 Trường THPT Tây Thạnh cũng choáng váng khi chưa tính học phí chính thức mà các khoản phải đóng cho nhà trường đầu năm học 2022-2023 đã lên đến hơn 7 triệu đồng.
Cụ thể, hàng loạt khoản thu cả quen lẫn lạ như: bảo hiểm tai nạn 50.000 đồng, bảo hiểm y tế 563.000 đồng, tiền dạy buổi hai 2,7 triệu đồng, nước uống 120.000 đồng, tiếng Anh giáo viên nước ngoài hơn 2 triệu đồng, tiền ấn phẩm 200.000 đồng, tiền điện phòng học máy lạnh 320.000 đồng, hệ thống thông tin quản lý học sinh 160.000 đồng, phí tài khoản học trực tuyến K12 online 100.000 đồng, thể dục tự chọn 100.000 đồng…
Phụ huynh còn được vận động đóng quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng và một số lớp vận động đóng thêm quỹ lớp 400.000 đồng.
Sau khi có dư luận trái chiều về các khoản vận động phụ huynh đóng góp, Trường THPT Tây Thạnh đã xin dừng vận động quỹ phụ huynh.
Trong thư gửi phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: "Với các khoản thu đầu năm học, nhà trường thống kê vào một phiếu để phụ huynh học sinh dễ theo dõi nhưng không bắt buộc phải hoàn tất một lần. Phụ huynh học sinh có thể đóng theo tháng, theo quý, học kỳ tùy vào khả năng của mình. Với các khoản tài trợ giáo dục cho nhà trường là trên tinh thần tự nguyện, tùy tâm. Và nhà trường xin dừng việc tài trợ cho năm học này tại đây".
Không “vận động” vẫn dạy tốt, học tốt
Trái ngược với những đơn vị gây ồn ào vì “vận động” các khoản quỹ, một số trường tại Tp.HCM đã nhất quán không thu chi các khoản tiền này.
Trường THCS Lê Quý Đôn, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM thông báo không thu bất kỳ loại quỹ nào của phụ huynh học sinh, gồm cả quỹ lớp, quỹ khuyến học và quỹ phụ huynh. Đồng thời, phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng GD&ĐT Tp. Thủ Đức.
Bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, theo quy định, quỹ của Ban đại diện Cha mẹ học sinh là để chi cho các hoạt động của học sinh, trong đó có khen thưởng cho học sinh hằng năm. Đối với khoản kinh phí khen thưởng này, nhà trường có thể tự bố trí nên không yêu cầu phụ huynh đóng góp.
Đồng thời, việc đóng góp của phụ huynh học sinh hay vận động tài trợ phải đều thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh) và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân).
Trong đó, quy định rõ không được quyên góp tiền phụ huynh vào các hoạt động mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất. Do đó, đối với các hoạt động mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, trường không vận động và không thu của phụ huynh.
Với quỹ lớp và các khoản quỹ khác thì từ 4 năm nay, từ khi bà Nguyễn Thị Diễm Trang làm hiệu trưởng, đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp không được thu của phụ huynh.
Đối với chi phí photo tài liệu học tập của học sinh trong lớp, hiện nhà trường có ký hợp đồng với một cơ sở photocopy gần trường. Khi cần, giáo viên chỉ cần ra cơ sở đó, ghi rõ lớp và số lượng tài liệu cần photo. Giáo viên không phải trực tiếp trả tiền mà nhà trường sẽ thanh toán.
Còn bà Lê Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái, Tp.Thủ Đức - chia sẻ, từ năm 2017 khi bà về làm hiệu trưởng, nhà trường đã yêu cầu không thu bất cứ quỹ nào của phụ huynh.
“Thực tế ở trường có những phụ huynh khó khăn nhưng cũng có những phụ huynh rất khá giả và mong muốn hỗ trợ cho nhà trường. Do đó, trường hoan nghênh những phụ huynh có điều kiện và nhu cầu đóng góp cho nhà trường trên tinh thần tự nguyện thực sự”, bà Thảo nhìn nhận.
Quy định đã có, vì sao chưa minh bạch?
Liên quan đến việc thu chi đầu năm học, trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH Tp.HCM vào ngày 20/9, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, để tránh tình trạng lạm thu hoặc thu sai quy định, trong năm học, Sở này sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng thu các khoản thuộc thu hộ, chi hộ sai quy định.
Về việc ban đại diện phụ huynh học sinh lớp, trường vận động phụ huynh quỹ đóng góp, ủng hộ cho các hoạt động giáo dục của học sinh, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, các trường cần áp dụng theo đúng tinh thần Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Cụ thể, cho phép vận động khoản thu này trên tinh thần ủng hộ tự nguyện của phụ huynh học sinh, đặc biệt không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh.
Một lãnh đạo phòng GD&ĐT tại Tp.HCM cũng khẳng định, Tp.HCM không có quy định cho phép trường học thu "trọn gói cả năm" các khoản thu của học sinh trong năm học.
Cụ thể, đối với các khoản thu như học phí và các khoản thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh như dạy học buổi 2, nước uống, vệ sinh bán trú, tiền điện, in ấn phẩm, học tiếng Anh với người nước ngoài..., chỉ được phép thu theo từng tháng thực học.
Đặc biệt, khi đưa ra các khoản thu, trường phải thông tin rõ ràng đến phụ huynh học sinh rằng khoản đóng góp đó sẽ bao gồm những nội dung gì, phục vụ học sinh những hoạt động nào, tiền in ấn phẩm thì phải nêu rõ là in những tài liệu, học liệu phục vụ môn học nào...
Ví dụ, tiền học 2 buổi/ngày, không thu quá 200.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh bậc THCS và không thu quá 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với bậc THPT.
Bình luận về việc này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ: “Chủ trương xã hội hóa là cần thiết trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa thể đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường. Tuy vậy, không thể lấy danh nghĩa xã hội hóa để loạn thu, lạm thu, mà cần căn cứ trên nhu cầu và điều kiện của phụ huynh, đặc biệt là ở nhiều khu vực khó khăn”.
Thực tế, tình trạng phụ huynh bức xúc với các khoản phí đầu năm học không phải mới mà xảy ra dai dẳng nhiều năm nay. Do đó, Sở GD&ĐT cần chủ động, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng danh mục các khoản thu được phép xã hội hóa và khống chế mức thu hợp lý.
Song song đó, cần kiểm tra và có xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu sai, loạn thu, lạm thu. Nếu đưa ra quy định mà không có kiểm tra, xử lý thì không chấn chỉnh được.
“Nói là tự nguyện nhưng cách làm không khác gì bắt buộc. Do đó, phải quy định rõ, có kiểm soát để thu hợp lý và chi đúng mục đích, tránh gây bức xúc kéo dài trong phụ huynh, học sinh, làm mất ý nghĩa thực chất của chủ trương xã hội hóa giáo dục”, ông Ngai nhấn mạnh.