Đen: Lỉnh kỉnh lắm thứ thế, ông chuyển nghề buôn tạp hóa à?
Đá: Nhà tôi không có mả kinh doanh, đang vận động từ thiện quà cho trẻ em nghèo.
Đen: Quá ý nghĩa. Nhưng phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc quà tặng đấy nhé.
Đá: Điều ấy là đương nhiên. Nhưng tự dưng sao ông nhắc?
Đen: Nhìn gương ông Nh. ở Cần Thơ. Tâm thì tốt, khâu thực hiện chưa chuẩn nên bị phạt.
Đá: Làm từ thiện mà cũng bị phạt?
Đen: Ông này mua gần 4 ngàn bánh trung thu tặng trẻ vùng cao. Khi QLTT kiểm tra phát hiện không có nhãn mác, sai quy định.
Đá: Hay mua bánh kém chất lượng, hết đát?
Đen: Ông này mua bánh của cơ sở uy tín, chất lượng, nhưng chắc do vội nên không lấy hóa đơn, bao bì, tự ý đóng gói sai cách.
Đá: Bị phạt bao nhiêu?
Đen: 10 triệu đồng. Được nơi sản xuất hỗ trợ, chỉ mất tiền mua chỗ bánh ấy thôi.
Đá: Vấn đề không phải tiền bánh, mà là sự rắc rối sau đó.
Đen: Ông này thừa nhận sự thiếu hiểu biết pháp luật của mình nên để xảy ra tình cảnh trên.
Đá: Chuyện ấy giờ xử lý sao?
Đen: QLTT không buộc phải tiêu hủy bánh, nhưng người làm từ thiện nản.
Đá: Từ thiện là không vụ lợi. Nghĩ đến các em nhỏ nghèo là quý lắm rồi. Mong xã hội nhiều người có tấm lòng như vậy.
Đen: Lo rằng số bánh hiện không đảm bảo VSATTP, ngành chức năng vận động, ông Nh. và cơ sở sản xuất tự tiêu hủy…
Đá: Đúng quá. Làm vậy để tránh sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đến tay người tiêu dùng.
Đen: Do vậy, nhóm từ thiện này đã dừng chương trình Trung thu yêu thương năm nay vì hết kinh phí.
Đá: Và sẽ có nhiều em nhỏ nghèo không được nhận quà.
Đen: Thế mới biết cho tặng cũng không phải chuyện thích là làm ngay được.
Đá: Xã hội luôn cần những tấm lòng. Tuy nhiên, phải tuân thủ các quy định.
Đen: Hàng hóa phải ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Người nhận cũng yên tâm.
Đá: Trung thu đang đến gần, tôi “tiếp tục sự nghiệp con tim” đây.
Đen: Ông nhớ phải đầy đủ thủ tục, đừng “ngẫu hứng” mà các cháu thiệt thòi.
Đ.Đ