Làm việc online bùng nổ trong đại dịch: Bước tiến của chuyển đổi số?

Làm việc online bùng nổ trong đại dịch: Bước tiến của chuyển đổi số?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 08/03/2022 09:25

Hình thức làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt đối với những ngành nghề có thể được thực hiện hoàn toàn hoặc một phần từ xa.

LTS: Làm việc online – làm việc từ xa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài đã không còn xa lạ với nhiều công ty trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, để làm việc từ xa hiệu quả cũng như cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi của người làm việc trực tuyến lâu ngày, từ xa ra sao là điều mà người lao động quan tâm. Liệu hình thức làm việc này có thể là bước tiến của chuyển đổi số? Cần phải làm gì để làm việc từ xa có hiệu quả…, hàng loạt câu hỏi này sẽ được Người Đưa Tin giải đáp trong tuyến bài “Tác động của hình thức làm việc online”.

 Tăng số lượng người làm việc từ xa

Sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế ở phạm vi toàn cầu. Song, nếu xét trên khía cạnh tích cực, đại dịch Covid-19 có thể xem là đòn bẩy cho của chuyển đổi số, tạo ra nhiều thay đổi mang tính đột phá trong chiến lược vận hành các cơ quan, cũng như cách thức người lao động làm việc. 

Theo đó, hình thức làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt đối với những ngành nghề mà công việc có thể được thực hiện hoàn toàn hoặc một phần từ xa. Với hình thức làm việc này, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã duy trì được công việc khi những làn sóng lây nhiễm Covid-19 liên tiếp “giáng đòn tấn công” mạnh.

Trong một khảo sát về thực trạng làm việc online từ xa mà Người Đưa Tin mới thực hiện trong tháng 2/2022, có 88,2% người tham gia khảo sát cho biết họ làm việc online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Trong quá trình làm việc online tại nhà, có 52,6% người được hỏi đồng ý rằng làm việc online hiệu quả hơn. Nhưng để lựa chọn hình thức làm việc online hay trực tiếp thì có tới 57,9% người trả lời lựa chọn làm việc trực tiếp với rất nhiều lý do: Có thể hoàn toàn tập trung cho công việc mà không bị mất tập trung bởi các công việc ở nhà. Trao đổi công việc được dễ dàng, thuận lợi; đi làm có đồng nghiệp vui hơn; làm việc tập trung, hiệu quả hơn; không phải trông con; gặp mặt trực tiếp với mọi người sẽ tăng tương tác, trao đổi, bàn bạc, giải quyết công việc nhanh chóng hơn….

Còn 42,1% còn lại thích làm việc online cũng nêu ra một loạt các lý do: Công việc hiệu quả, mà lại phòng tránh được dịch bệnh; làm online là xu hướng tất yếu, tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, chủ động trong công việc, có không gian yên tĩnh để làm việc; thoải mái thời gian, tự do, không bị quản thúc và không phải tiếp xúc với quá nhiều người; tiết kiệm được các chi phí phát sinh như đi lại, ăn uống và tiết kiệm thời gian, làm online tối ưu hơn…

 

Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), 12% số người có việc làm trong độ tuổi 20-64 ở Liên minh châu Âu (EU) thường làm việc tại nhà vào năm 2020, trong khi tỉ lệ này chỉ ở mức 5 - 6% vào thời kỳ trước đại dịch. Theo kết quả khảo sát được công bố vào ngày 9/12/2021, đồng thực hiện bởi công ty Samsung Electronics (Hàn Quốc) và công ty tư vấn The Future Laboratory trên 14.000 người lao động trên toàn châu Âu, hơn 50% người lao động cho biết có năng suất cao hơn khi làm việc tại nhà. Đây là một phần nguyên nhân khiến họ không muốn quay lại làm việc theo truyền thống. Chỉ có khoảng 14% số người lao động được hỏi muốn trở lại làm việc tại văn phòng như thời kỳ trước đại dịch. Kết quả khảo sát được đưa ra vào thời điểm nhiều quốc gia đang dần quay lại với trạng thái “bình thường mới”, sau khoảng thời gian dài chủ yếu học tập, làm việc qua trực tuyến.

Còn tại Việt Nam, theo một khảo sát đồng thực hiện bởi FPT và Base.vn về mức độ ảnh hưởng của làn sóng đại dịch lần thứ tư, có 53% doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã phải hạn chế một phần hoạt động hay thậm chí tạm ngừng kinh doanh. Trong số đó, hơn 60% doanh nghiệp đã chuyển đổi sang vận hành kinh doanh từ xa nhằm đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội.

Sự kiện - Làm việc online bùng nổ trong đại dịch: Bước tiến của chuyển đổi số? (Hình 2).

Ông Nguyễn Ân, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Phaolo chia sẻ với Người Đưa Tin.

Trao đổi với Người Đưa tin, ông Nguyễn Ân, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Phaolo (Tp.HCM) cho biết, đặc thù công việc của công ty ông là gặp gỡ khách hàng để chào mẫu vải mới tiến hành may áo đồng phục. Tuy nhiên, thời điểm Tp.HCM giãn cách xã hội cũng là thời điểm ông Ân cùng các nhân viên công ty chuyển sang hình thức làm việc online tại nhà khoảng 4 tháng.

“Làm việc online cũng gặp phải khó khăn, đó là chỉ làm việc với khách hàng bằng hình ảnh và theo mô tả của khách hàng về chất liệu. Khi áo sản xuất ra cũng trên tinh thần 50/50 theo yêu cầu của khách hàng, cũng có một vài đơn hàng không đúng chất liệu đành phải đem về sản xuất lại theo đúng chất liệu và cũng có một số khách hàng thông cảm để sản xuất lô áo sau đúng hơn”, ông Ân nói.

Theo lời chia sẻ của ông Ân, công việc của ông bị ảnh hưởng rất nhiều: Thứ nhất, không tiếp xúc được khách hàng là một bất lợi, không chào mẫu và nói chuyện trực tiếp sẽ khiến sự tin tưởng và uy tín không được cao; Thứ hai, làm sai sản phẩm đặt hàng sẽ khiến mất uy tín với khách hàng mới; Thứ ba, lượng khách hàng bị mất nhiều do đại dịch. Công ty khách hàng phải cắt giảm nhân công hoặc giải thể.

“Thời điểm dịch bùng phát căng thẳng, tôi cho nhân viên nghỉ hết, cho nhân viên sales làm việc tại nhà, nói chung là khó khăn khắc phục”, ông Ân cho biết thêm.

Tăng doanh thu cho các công ty công nghệ

Nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã báo cáo doanh thu tăng trưởng từ sự bùng nổ của chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Theo dữ liệu thống kê của Statista, trong vòng 12 tháng (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021), 5 gã khổng lồ công nghệ của Mỹ (Big Five bao gồm Microsoft, Amazon, Meta-công ty mẹ Facebook, Apple và Alphabet -công ty mẹ Google) đạt doanh thu lên tới 1.350 tỷ USD, thu về hơn 300 tỷ USD lợi nhuận ròng. Cả 5 công ty đều có mức tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 43%.

 

Những con số kỷ lục cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ của các hãng công nghệ bất chấp những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, nhấn mạnh vai trò và tiềm năng to lớn của công nghệ trong cuộc sống cũng như công việc hiện nay.

Ngoài ra, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là vấn đề đầu tư thiết bị công nghệ, đó còn là vấn đề văn hóa và con người.

Theo cuộc khảo sát các giám đốc điều hành toàn cầu được thực hiện bởi McKinsey vào tháng 7/2020, những công ty của họ đã tăng tốc số hóa các tương tác với khách hàng và chuỗi cung ứng cũng như hoạt động nội bộ từ ba đến bốn năm. 

Việc ứng dụng các công nghệ mới để thích ứng với đại dịch đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với nhiều doanh nghiệp cả trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Trong 2 năm qua, hình thức làm việc tại nhà do dịch Covid-19 đã tạo ra “đòn bẩy” để quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn, mang đến “làn gió mới” trong cách thức làm việc của nhân viên.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Ngọc Huy (Nhân viên một công ty công nghệ) cho rằng anh thích làm việc online hơn vì tiết kiệm thời gian di chuyển và có không gian làm việc yêu thích hơn.

“Sau thời gian nghỉ giãn cách, chúng tôi đã quen với việc làm việc online nên để nói quay trở lại làm trực tiếp chúng tôi rất ngại. Thêm vào đó, tính chất công việc của chúng tôi cũng chủ yếu làm online nên chuyển hình thức làm online hay trực tiếp cũng không có nhiều thay đổi. Tôi cho rằng, trong tương lai hình thức làm việc online từ xa sẽ ngày càng phát triển”, anh Huy nói.

Làm việc online liệu có trở thành bước tiến của chuyển đổi số, về vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho rằng, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 các công ty, doanh nghiệp chuyển qua làm online cũng là một cơ hội để mọi người làm việc trên nền tảng internet, làm việc từ xa, làm việc ở bất kỳ không gian nào.

Sự kiện - Làm việc online bùng nổ trong đại dịch: Bước tiến của chuyển đổi số? (Hình 4).

Theo ông Thắng những ngành nghề như dịch vụ, đào tạo, tư vấn… đều có thể làm việc online từ xa.

Nói về ưu điểm của hình thức làm việc này, ông Thắng cho biết: “Nó sẽ giúp tối ưu hoá được nguồn lực thay vì ngày trước nguồn lực tập trung một chỗ. Tôi lấy ví dụ ngày trước muốn họp hành phải đến trực tiếp, đi lại, chi phí tốn kém nhưng bây giờ chuyển đổi số có kết nối internet và các ứng dụng họp trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí. Điều đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong cuộc sống”.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng bên cạnh ưu điểm nêu trên, việc chuyển sang làm online cũng gây ra một số khó khăn như người dùng chưa có sự sẵn sàng nên khi sử dụng công cụ, thiết bị công nghệ họ cảm thấy rối. Muốn không bỡ ngỡ thì cần nâng cao trình độ. Đồng thời, khi làm online những vấn đề về tăng cường tính an ninh, an toàn bảo mật… cũng là yếu tố cần lưu tâm. Các cơ quan, tổ chức có cho phép nhân viên, người lao động làm việc từ xa thì phải tăng cường lực lượng an ninh mạng.

Theo ông Thắng những ngành nghề như dịch vụ, đào tạo, tư vấn… đều có thể làm việc online từ xa, chỉ có ngành sản xuất thì phải làm trực tiếp. Đó là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc.

Làm việc online trong thời gian giãn cách sẽ gặp phải những câu chuyện “dở khóc dở cười” như thế nào? Mời quý độc giả đón đọc bài 2.

Hoàng Bích - Hà Thanh – Hoa Trà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.