Thế hệ trẻ có lẽ được nghe nhiều lần câu nói: "Thời của ông bà/ bố mẹ ngày xưa không sướng như chúng mày bây giờ đâu...". Đúng, người trẻ sướng hơn thế hệ ông bà, cha mẹ nhiều, người trẻ sống trong hòa bình, được dạy phải tiếp nối những giá trị truyền thống và được tiếp cận với một “thế giới phẳng”, người trẻ được nhiều và đi kèm với đó, người trẻ cũng phải đánh đổi nhiều hơn.
Giá trị truyền thống dạy người trẻ đưa những đại từ xưng hô trong gia đình vào nhà trường và xã hội. Cách xưng hô thể hiện khoảng cách tuổi tác nhưng đi kèm với đó là một mối dây tình cảm ngoài công việc. Khi học ngoại ngữ, người trẻ thấy nước ngoài, họ chỉ dùng từ "tôi" để nói về mình, cùng với sự hội nhập và phát triển, chữ "tôi" đó ngày một biến chuyển và có phần biến tướng.
Blogger Nguyễn Ngọc Long
Người trẻ luôn khao khát khẳng định bản thân mình và muốn thể hiện "cái tôi" bằng mọi cách. "Cái tôi", trước hết là dám khác biệt, khẳng định mình khác biệt và tránh mọi sự "đụng hàng". Mặt tốt của vấn đề có lẽ không cần bàn tới, kết quả thu được là một thế hệ dám nghĩ dám làm và không ngại khác biệt. Nhưng mặt xấu ở chỗ, bên cạnh những bạn trẻ thể hiện được "cái tôi" bằng nghị lực và bản lĩnh của bản thân thì không ít bạn lại loay hoay thể hiện theo những cách tiêu cực. Đó là khi "cái tôi" trở thành ích kỷ, khi "cái tôi" khiến người trẻ đánh giá quá cao bản thân (không biết mình là ai) và đi kèm với đó là nhìn người khác bằng... nửa con mắt.
Người trẻ dễ ảo tưởng về bản thân, câu chuyện về những tân sinh viên ra trường đòi hỏi mức lương cao ngất ngưởng trong khi không có kinh nghiệm luôn khiến các nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngán ngẩm. Những chia sẻ "cười ra nước mắt" của Blogger Nguyễn Ngọc Long trên trang cá nhân sẽ phần nào lý giải hiện tượng này: "Làm việc với một lũ ngu thật mệt" - Đây là câu tôi thường xuyên nghe được từ miệng các bạn trẻ thông minh tột bậc, tài năng xuất chúng và từ chính trong suy nghĩ của tôi cách đây vài năm. Bất cứ vấn đề gì đưa lên mà bị sếp gạt đi vì lý do nào đấy thì tôi đều tỏ vẻ khó chịu, khinh khỉnh và tự nhủ trong đầu "đúng là ngu", "đã không biết gì mà còn ngang bướng", "chờ đấy coi hậu quả rồi trắng mắt ra"... Nói tóm lại, tôi thấy “làm việc với một lũ ngu thật mệt".
Rồi tôi ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, làm được nhiều việc vĩ đại hơn, có nhiều tiền hơn và đủ tự tin hơn để đứng ở vai trò giám đốc một công ty. Tôi cũng lại đi thuê những bạn trẻ năng động, tài giỏi xuất chúng như tôi ngày trước vô làm việc. Trong kế hoạch mà các bạn ấy đưa lên, tôi lại thấy đầy rẫy những vấn đề mà kinh nghiệm cho tôi biết rằng kế hoạch này thất bại. Nhưng vì quá bận nên tôi không thể đi giải thích từng chút một. Tôi nghĩ, các bạn trẻ hẳn là cũng đang rất hậm hực vì thấy làm việc với mấy thằng ngu như tôi thật mệt!
Khổ nỗi, phải đến lúc bị những người khác coi là thằng ngu thì tôi mới thấy các ông sếp bà sếp ngày xưa của mình thông minh quá trời thần. Tôi hiểu rằng họ chỉ góp ý những chỗ mà họ biết, họ đã trải qua thôi. Và để lãnh đạo được cả một công ty thì tất nhiên họ chẳng ngu gì cả. Ngay cả khi họ thực sự có sai sót trong đánh giá kế hoạch của tôi thì tôi vẫn ngu hơn họ ở chỗ không có khả năng thuyết phục. Tôi mới thực sự là một thằng ngu chứ không phải họ. Tôi mất mát nhiều hơn họ.
Thanh Xuân (ghi)