Chiều 9/11, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH đoàn TP.HCM) đánh giá: “Luật này theo tôi có nhiều điểm mới. Nếu chúng ta xây dựng luật này tốt sẽ tinh giản biên chế”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ: “Tôi có nghe chuyện "chạy" mấy trăm triệu đồng để vào biên chế. Họ “chạy” vì tin rằng vào biên chế để tìm cách tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt sẽ thui chột ý nghĩ "chạy" vào Nhà nước để tham nhũng. Điều đó sẽ giúp tin giản biên chế, làm sạch bộ máy”.
Về đối tượng kê khai tài sản, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vừa rồi, có chuyện tài sản của mấy vị quan chức lớn lại đứng tên cha mẹ. Họ là cán bộ hưu trí nhưng đứng tên tài sản rất lớn. Nếu như chúng ta quy định như Điều 41, theo tôi là chưa có giải pháp xử lý vấn đề cán bộ tuồn tài sản cho người thân.
Về vấn đề xác minh tài sản, những kẻ tham nhũng lớn, có nhóm lợi ích thường đưa tài sản ra nước ngoài. Nếu Luật này không giúp cho cơ quan chức năng điều tra tài sản ở nước ngoài thì vẫn là bế tắc.
Chúng ta có các bước rất căn bản là kê khai, xác minh, nếu không giải trình được có nên thu hồi tài sản. Vào công chức làm trong vòng vài chục năm, anh buôn chổi đót, làm xe ôm liệu có vài trăm tỉ đồng không. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri đề nghị là nếu xác minh, không giải trình được tài sản thì thu hồi. Nếu chúng ta có bỏ tù, tử hình tội phạm tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng thì cũng là không hiệu quả”.
Cũng liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, ĐB Nguyễn Phước Lộc (ĐBQH đoàn TP.HCM) nêu quan điểm: “Về việc kê khai tài sản, theo tôi nếu chúng ta không mở rộng đối tượng kê khai thì cần thiết kế thêm điều khoản cán bộ công chức dù chỉ là chuyên viên nhưng có tham nhũng vặt, nhũng nhiễu phải có nguyên tắc xử lý. Lực lượng cán bộ, công chức, chuyên viên …, cán bộ ngành công an phải có quy định nếu gây ra nhũng nhiễu thì thế nào. Nếu Luật không quy định được chi tiết thì cũng phải nêu nguyên tắc chung”.