Từ Hà Nội vượt hơn 500 cây số với những cung đường đồi núi quanh co uốn lượn, PV Báo Người Đưa Tin đã đặt chân đến xã Tung Qua Lìn, Huyện Phong Thổ, Tỉnh Lai Châu.
Đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống của bà con đặc biệt là của các cô giáo vùng cao, chúng tôi nhận thấy trong tim của các cô giáo trẻ vẫn luôn đau đáu, trăn trở nỗi niềm với những em học sinh thân yêu nơi vùng biên.
Trò chuyện với PV cô giáo Vàng Thị Đề (sinh năm 1986, quê ở Lai Châu) – một trong những cô giáo có thâm niên dạy học lâu năm tại trường mầm non Tung Qua Lìn (điểm mà cô giáo dạy nằm ở bản Căng Há – mỗi cô giáo được phân chia dạy ở các bản khác nhau thuộc xã Tung Qua Lìn- PV) bắt đầu bộc bạch nỗi lòng của mình.
Cô Vàng Thị Đề chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô lên Tung Qua Lìn công tác từ năm 2006 cho đến nay đã được 10 năm.
Những năm “gánh” con chữ đến với các em nhỏ vùng cao, cô giáo Vàng Thị Đề đã có nhiều khó khăn nhất định. Trong đó phải kể đến khó khăn về vấn đề giao tiếp, truyền đạt thông tin.
Cô Đề cho biết bản thân cô và nhiều cô giáo khác phải dạy các em học sinh song ngữ cả tiếng H’mông và tiếng Kinh bởi vốn từ phổ thông của các em dường như rất ít, nếu không dùng hai thứ tiếng các em sẽ không hiểu được cô đang nói gì.
Trong 10 năm công tác tại mảnh đất này, cô Đề cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với nơi đây. Chỉ biết rằng mỗi khi nhắc lại là khiến con tim của cô thêm xúc động. Kể về kỷ niệm mà cô có ấn tượng sâu sắc nhất cô Đề cho biết đó chính là lần cô suýt chết hụt tại một con suối.
“Vào năm 2010 mình có dạy học ở một điểm trường tận sâu dưới thung lũng, trên đường đi dạy học nếu muốn đi tắt cho nhanh thì phải đi qua một con suối, con suối này ngăn cách hai bên phía bên kia là lớp học còn bên này là khu tập thể của giáo viên ở.
Hôm đó cũng như mọi ngày, mình đi đến con suối nhưng vì trời mưa rất to nên nước suối dâng lên đột ngột, mình đang bước đến giữa dòng suối thì nước bỗng ào lên làm mình bị trôi mất khoảng 4-5 mét”, cô Đề nhớ lại.
Khi nước suối đột ngột ào lên cô Đề tưởng rằng mình sẽ chết nhưng như người “chết đuối vớ được cọc” phụ huynh học sinh nhìn thấy cô đang chơi vơi giữa dòng nước siết nên vội vã đến cứu cô, kéo cô lên bờ. Cô giáo Đề cũng không nhớ nổi giây phút hãi hùng đó nhưng khi nhắc lại cô luôn bị ám ảnh, cảm thấy rùng mình.
Trong cơn hoạn nạn đó, cô giáo này cũng đã có một cái nhìn khác về một em học sinh mà trước đó cô gọi là “cậu học sinh cá biệt”.
Thấy cô giáo không may bị nước cuốn và được cứu lên bờ, em học sinh đó đã vội vã dùng ô che cho cô khỏi ướt hành động của em khiến cho cô Đề dần có thiện cảm với em hơn: “Nghe phụ huynh kể chính cậu bé nhìn thấy mình bì bõm dưới nước đầu tiên nên đã đi gọi người lớn để cứu mình. Mình rất bất ngờ không nghĩ em đó làm vậy bởi mọi hôm bé nghịch ngợm, phá rối thế nhưng ngẩng đầu lên thấy học sinh đang che ô cho mình thì từ giây phút đó mình có thiện cảm với cậu bé hơn”.
Khi chia sẻ với PV, cô giáo Đề cho biết hiện giờ mỗi khi nghĩ đến lần chết hụt đó là cô vẫn cảm thấy sợ hãi. Còn về cậu học trò cá biệt, cô Đề cho hay bản thân cô cảm thấy vui hơn vì kể sau hôm cứu cô giáo, em học sinh này đã trở nên ngoan hơn, em đi học từ rất sớm chỉ để xem cô đã sang được suối hay chưa, an toàn chưa.
Nói thêm về chuyện tình duyên của mình, cô Đề bày tỏ, vào năm 2007 trong một lần đi bộ từ Dào San về Tung Qua Lìn, tình cờ cô gặp ông xã hiện tại quê ở Hà Tây lên Lai Châu làm công trình, khi đó cô xách nhiều đồ mà lại đi bộ nên cô đã nhờ chở đồ và thế là họ quen nhau, trò chuyện, yêu nhau và rồi họ quyết định về chung một nhà.
“Mình có một người con trai lớn hiện đang học lớp 1 được gửi ông bà ngoại trông và gia đình mình đang chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Thế nhưng đã từ rất lâu rồi gia đình không được quây quần bên nhau vì mỗi người một nơi. Đôi khi nghĩ đến đây thôi là mình chạnh lòng rơi nước mắt”, cô Đề nói trong nghẹn ngào.
Gạt đi những nỗi buồn trong cuộc sống, cô giáo Vàng Thị Đề luôn luôn cố gắng phấn đấu, cống hiến vì thế trong suốt 10 năm qua bảng thành tích mà cô đạt được luôn khiến bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ.
“Trong 10 năm công tác bên giáo dục bọn mình có năm đầu tiên là xóa tập sự năm đó mình hoàn thành nhiệm vụ. 9 năm tiếp theo mình đều được lao động tiên tiến.
Trong 9 năm đó có 6 năm được UBND Huyện Phong Thổ tặng bằng khen, 3 năm đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp huyện và năm 2015 vinh dự được chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng bằng khen”, chia sẻ đến đây cô Đề nở nụ cười hạnh phúc bởi cô cho biết cả xã chỉ có mình cô là được chủ tịch tỉnh tặng bằng khen. Không phải là người mê các giải thưởng nhưng đó cũng là nguồn động lực giúp cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
(Còn nữa)
Thanh Lam