Luật có, khi thực hiện bị… bỏ xó
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Cùng với đó là việc tăng cường công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý trật tự đô thị thì xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè là “câu chuyện muôn thuở”, khó giải quyết suốt nhiều năm qua. Theo một số chuyên gia nhìn nhận, vấn đề này đang bị buông lỏng quản lý, luật đã có nhưng quá trình thực hiện có phần hình thức, không đúng bản chất nên các vi phạm “đâu lại vào đó”.
Trước câu chuyện nhức nhối này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết: “Tại nhiều thành phố lớn, người dân tận dụng vỉa hè để mưu sinh. Bây giờ làm sao thay đổi được thói quen sử dụng vỉa hè như vậy? Nếu chỉ xem xét ở góc độ pháp luật sẽ gặp khó khi giải quyết, cần có sự hài hòa. Bên cạnh việc quyết liệt hơn trong công tác quản lý trật tự đô thị thì chúng ta cần giải quyết cả bài toán việc làm cho người dân”.
Bên cạnh đó, ông Xuyền cũng chỉ rõ: “Ở một số địa phương, việc thực thi pháp luật từ trên xuống dưới đều không nghiêm, có tình trạng người làm, người không làm, cho nên những tồn tại đâu lại vào đó. Như ở TP.HCM sau đợt rộ lên phong trào “đòi lại vỉa hè”, thì đến nay, câu chuyện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của người dân vẫn còn nhức nhối”.
Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch-Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Như trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - phải viết đơn xin nghỉ khi không thể hoàn thành lời hứa đòi lại vỉa hè. Đây cũng là minh chứng thể hiện, một cá nhân dù có nỗ lực đến mấy thì cũng không giải quyết được trật tự đô thị mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Muốn vậy, cơ chế chính sách là một chuyện, cần xử phạt thật nghiêm minh với những trường hợp vi phạm, tránh nhờn luật hoặc làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Để có thể xử lý bài toán nan giải mang tên “lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” một cách dứt điểm, một cá nhân có trách nhiệm với công việc như ông Đoàn Ngọc Hải khi đơn độc thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhắc về những vi phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học (học viện Báo chí và Tuyên truyền) - bày tỏ quan điểm: “Mỗi công trình khi xây dựng đều phải có giấy phép, có thiết kế với đầy đủ giấy tờ thủ tục theo quy định. Nhưng có thể bằng cách nào đó, người ta cố tình làm, “đi sân sau” để mở rộng, cơi nới diện tích ra một chút mặc dù không được chính quyền cho phép. Khi chính quyền không kịp thời ngăn chặn hoặc có lý do nào đó để lờ đi … thì việc giải quyết những vi phạm sẽ rất khó khăn. Có những công trình “sự đã rồi” mà để đòi được các diện tích công bị lấn chiếm thì phải dỡ bỏ, kèm theo chi phí tốn kém, không có nguồn lực, đôi khi còn gặp sự phản ứng từ phía người dân, thìì đó cũng là một vấn đề”.
“Tôi cho rằng, để giải quyết được tình trạng này, trước tiên cần phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nghiêm minh về quản lý hành chính Nhà nước từ trên xuống dưới. Các đơn vị quản lý có trách nhiệm giám sát ngay từ đầu, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý ngay, thậm chí yêu cầu dừng ngay công trình đó. Còn nếu để “sự đã rồi” thì giải quyết phần ngọn là không triệt để vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên nhấn mạnh.
Trách nhiệm cá nhân cứ “lẩn” vào trong tập thể
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc để tồn tại các bãi đỗ xe tự phát là một nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhức nhối bấy lâu nay. Bối cảnh hiện nay, cả Hà Nội và TP.HCM đều chưa đảm bảo diện tích các bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch. Thông thường, với một đô thị trên 1 triệu dân phải có khoảng 3% diện tích dành cho bãi đỗ xe, xu thế mới có gia tăng các bãi đỗ xe cao tầng và bãi đỗ xe ngầm, nhưng hiện nay Hà Nội và TP.HCM chưa làm được nhiều bãi đỗ xe như vậy.
Bên cạnh đó, việc gia tăng diện tích đỗ xe trong các công trình công cộng đã được điều tiết bởi quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, nên cần rà soát lại. Đến nay vẫn còn có các hiện tượng như các hầm đỗ xe, bãi đỗ xe bị biến dạng, không phục vụ cho việc đỗ xe, mà phục vụ cho mục đích riêng của chủ đầu tư, cần rà soát thật chặt chẽ.
Ông Nghiêm cũng chỉ rõ thêm một tồn tại là các bãi đỗ xe tự phát thu phí gửi xe với giá cao gấp đôi, gấp ba giá Nhà nước quy định. Việc này gây thất thu ngân sách, làm mất đi hình ảnh đô thị, cần rà soát lại, xác định lại những diện tích đỗ xe có phép, nay do những điều chỉnh chức năng mới, không hợp lý thì nên thu hồi. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ bãi xe tự phát như các bãi đỗ xe phố cổ, hay khu vực vào phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực các quận Ba Đình...
Cùng phân tích về vấn đề trách nhiệm trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng: “Chúng ta giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Bây giờ trách nhiệm quản lý trên địa bàn phường có chính quyền phường gồm UBND, HĐND, Công an phường. Vậy khi để ra xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì người đứng đầu nơi đó có dám đứng lên từ chức, chịu trách nhiệm hay không? Rồi các tổ chức đoàn thể ở đó như thế nào, có quy được trách nhiệm cho đơn vị hay cá nhân nào không?
Tôi cho rằng, muốn giải quyết bài toán vỉa hè bị lấn chiếm thì phải làm đến nơi đến chốn, chỉ rõ được “địa chỉ trách nhiệm” khi để xảy ra vi phạm trên một địa bàn. Ví dụ chuyện xảy ra ở phường A thì Chủ tịch phường A phải bị xử lý.
Nếu cấp phường không xử lý triệt hoặc có du di cho sai phạm thì cấp trên là quận, huyện có thể chỉ đạo và Chủ tịch phường nơi đó phải chịu trách nhiệm; thậm chí ngay cả HĐND ở địa bàn đó cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu không xử lý được thì có lẽ người đứng đầu nên từ chức. Bởi lâu nay không ai làm việc đó nên trách nhiệm vẫn cứ chung chung từ trên xuống dưới”.
Cũng theo ông Xuyền, đây là vấn đề mà cử tri, người dân ở từng địa phương phải có ý kiến khi người đó ứng cử vào các chức danh quản lý cụ thể trên địa bàn phường. Vấn đề này đã nói nhiều, quy định luật pháp cũng đầy đủ nhưng thực hiện không “đến nơi đến chốn”, trách nhiệm cứ “lửng lơ”, không thuộc về ai.
“Có rất nhiều quy định đã được đưa ra nhưng hiệu quả thực thi còn thấp là do chưa xác định rõ được trách nhiệm cá nhân trong mỗi vi phạm. Trách nhiệm cá nhân cứ “lẩn” vào trong tập thể nên không đem lại hiệu quả cao. Riêng với Hà Nội, tôi kỳ vọng rằng, hiện Hà Nội đã thí điểm bỏ HĐND tại cấp phường, giao quyền đấy cho Chủ tịch UBND phường.
Như vậy không nói đến tập thể nữa mà chính Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, cử tri, và người dân nơi đó về quản lý an ninh trật tự trên địa bàn phường. Như vậy trách nhiệm cá nhân chắc chắn sẽ cao hơn và quy được trách nhiệm cụ thể”, ĐBQH Bùi Văn Xuyền.
Điểm mặt những vụ việc “nhờn” luật gây bức xúc dư luận
Sau nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường của lực lượng chức năng, hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM, Hà Nội vấn tái chiếm như chưa từng có cuộc ra quân.
Vài năm trở lại đây, quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần ra quân thực hiện chiến dịch trả lại vỉa hè, xử lý vi phạm trật tự đô thị nhưng kết quả không mấy khả quan. Theo ghi nhận của PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, vỉa hè phố Lương Ngọc Quyến bị chiếm trọn bởi xe cộ hàng quán. Phố Hàng Mã với rất nhiều mặt hàng được bày biện "cẩn thận" trên vỉa hè khiến cho người dân không thể nhận diện đâu là phần đường dành cho người đi bộ.
Tại khu vực 95 Hàng Bạc, xe cộ, đến cả bàn ghế cũng được chủ quán hàng sử dụng để đón khách ngay tại vỉa hè. Theo quy định, tối thiểu phải dành ra 1,5m vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội, người dân vẫn thản nhiên đỗ xe hết phần lớn vỉa hè. Thậm chí khoảng trống nhỏ hẹp còn lại cho người đi bộ trên vỉa hè cũng bị chặn đứng bởi các hàng ăn, quán nước.
Nhiều người dân cũng như cả du khách nước ngoài buộc lòng phải đi xuống lòng đường khi các phương tiện khác đang lưu thông do phần đường thực sự dành cho họ đã được sử dụng vào mục đích khác. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị nhưng cứ khi tổ công tác rời đi, vỉa hè bị tái lấn chiếm ngay sau đó.
Trước đó, công trình xây dựng ven biển TP.Đà Nẵng ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè tập kết vật liệu. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn làm xấu xí đi hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách.
Cụ thể, tuyến đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng) là tuyến đường biển - du lịch được xem là đẹp nhất nhì của địa phương. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều công trình xây dựng lại ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Theo ghi nhận, tại lô B4.1-6 Võ Nguyên Giáp là công trình khách sạn Chic – land (công ty CP Chic – land làm chủ đầu tư) với nhà thầu xây dựng là công ty CP Xây dựng & Quản lý dự án HI-END (HICON) để gạch đá, sắt thép tràn lan khắp vỉa hè. Tại vị trí này thường xuyên có xe tải, xe ben lớn đậu chiếm dụng cả một đoạn lớn đường để đổ vật liệu, cấp phối bê tông.
Cách đó chừng vài mét là công trình tháp CT 1 và CT 2, dự án Đà Nẵng Time Square của công ty CP Kim Long Nam. Rồi nữa là công trình khách sạn nghỉ dưỡng Minh Toàn Ocen (lô B4.1-13)… đều chung tình cảnh tương tự.
Việc các công trình dùng tôn để chắn lối đi, nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng và để xe của công nhân khiến lối đi bộ trên vỉa hè bị chiếm dụng hoàn toàn. Điều này khiến nhiều du khách phải đi xuống lòng đường.