Sau cuộc điện đàm bất ngờ đầu tháng Hai, hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc đến một số vấn đề, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tán thành yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Hai bên cũng trao đổi lời mời đến thăm song phương. Lãnh đạo hai nước đều mong chờ những cuộc nói chuyện về những kết quả thành công rực rỡ trong tương lai.
Một số nguồn tin tại Trung Quốc cho rằng, khả năng lớn cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức vào tháng Bảy tới.
“Bắc Kinh đang tiến hành làm việc với đội ngũ của ông Trump về khả năng tổ chức gặp mặt song phương bên lề Hội nghị G20 tại thành phố Hamburg (Đức) vào tháng Bảy năm nay. Đồng thời phía Washington cũng đang có ý định tương tự”, nguồn tin cho hay.
Giới phân tích nhận định Hội nghị G20 là cơ hội đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, ông Trump có tới dự G20 hay không lại chưa có gì chắc chắn.
Yuan Peng, Phó Chủ tịch viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ là tiền đề để hai nước xây dựng quan hệ ngoại giao cũng như thiết lập các kênh đối thoại mới.
Còn theo cựu Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ CIA James Woolsey, cũng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, G20 là thời điểm thích hợp để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung ngồi đàm phán cùng nhau.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên gặp mặt sớm nhất có thể để thể hiện quan điểm cá nhân và hiểu biết lẫn nhau”, Tiến sĩ Gal Luft, Giám đốc viện Phân tích An ninh toàn cầu ở Washington cho hay.
Tuy nhiên, nếu trường hợp ông Trump không tham dự Hội nghị G20 thì cơ hội gặp mặt tiếp theo của hai nhà lãnh đạo sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm nay.
"Mọi chuyện giờ chỉ còn phụ thuộc vào ông chủ Nhà Trắng vì Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tới dự G20 và APEC. Nếu ông Trump tham gia sự kiện vào tháng Bảy tới, Trung Quốc sẽ cố gắng sắp xếp các cuộc đối thoại song phương giữa hai nhà lãnh đạo”, Yuan Peng, Phó Chủ tịch viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc đưa ra giả thiết.
Chuyên gia chính trị Yuan Peng thừa nhận trong việc hàn gắn quan hệ với Washington, việc thiếu các kênh liên lạc với nhóm của ông Trump vẫn là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng tỏ ra không mấy mặn mà khi sử dụng các kênh đối ngoại, quân sự và kinh tế sẵn có để thảo luận với Trung Quốc.
“Nhà lãnh đạo hai nước nên cố gắng tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác mới. Cụ thể, ông Tập có thể mời ông Trump tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB cũng như sáng kiến “Một vành đai, một con đường", ông Yuan gợi ý.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cựu Giám đốc CIA Woolsey tin rằng các dự án thương mại như tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng là cơ hội tốt để Mỹ và Trung Quốc hợp tác giúp xóa bỏ những bất đồng hiện có.
“Một cuộc điện đàm là chưa đủ. Với một Tổng thống có đoán như ông Trump, cần có một cuộc thảo luận để hiểu rõ về con người Tổng thống Mỹ từ đó xây dựng quan hệ đối thoại. Khi đã tạo được bầu không khí bạn bè thân hữu, mọi thứ sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Còn như tình hình hiện tại, chỉ cần một vấn đề khúc mắc nhỏ cũng có thể biến thành một cuộc chiến lớn”, Tiến sĩ Gal Luft, Giám đốc viện Nghiên cứu an ninh toàn cầu nhấn mạnh.
Xem thêm >>> Ukraine đòi tước quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng bảo an
Phương Anh