Việc cấp phép đúng quy trình?!
Trước đó, ngày 23/6/2017, Thứ trưởng bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, chấp thuận cho công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 31/10/2017.
Nói về việc này, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tối 3/8, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Quá trình xem xét cấp phép, Bộ đã huy động, mời nhiều nhà khoa học có uy tín tham gia hội đồng tư vấn thẩm định. Hội đồng đã đánh giá hồ sơ xin cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung và họ đã đáp ứng để chặt chẽ, thuyết phục hơn... Khi các thủ tục, ý kiến chuyên môn đã đầy đủ, thuyết phục như thế thì Bộ phải cấp phép nhận chìm. Đấy là trách nhiệm pháp lý của Bộ”.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố rộng rãi, dư luận tiếp tục bàn tán xôn xao. Trước nhiều ý kiến phản đối từ dư luận, chuyên gia..., UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị dừng việc nhận chìm chất nạo vét của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng bộ TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật; giao viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 7732 ngày 24/7/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Đại diện bộ TN&MT cho biết, Bộ này chưa bàn giao biển cho Vĩnh Tân 1 để chủ dự án nhận chìm bùn thải nạo vét mà phải chờ kết quả quan trắc của các nhà khoa học.
Tiếp đó, ngày 9/8, Bộ trưởng bộ TN&MT cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.
Cụ thể, bộ TN&MT thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Khu vực đổ là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và phần diện tích này trước đó công ty Cổ phần cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn cát nạo vét.
Điều khiến dư luận quan tâm là số phận của Giấy phép số 1517/GP-BTNMT sẽ được “phán quyết” thế nào?
Trao đổi nhanh với PV qua điện thoại chiều 10/8, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng tổng cục Biển và Hải đảo (thuộc bộ TN&MT) cho biết Bộ chưa có quyết định thu hồi Giấy phép số 1517 nói trên. Liên quan đến việc đổ bùn thải, ông Sơn cho biết thêm: “Bộ trưởng đã nói hết rồi nên tôi không còn gì để nói nữa”.
Bộ TN&MT nên xem lại trách nhiệm của mình
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS KH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhận định: “Việc bộ TN&MT chấp thuận phương án đề xuất của tỉnh Bình Thuận sẽ đưa toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân là việc làm đáng hoan nghênh, nhất là sau khi dư luận lên tiếng. Vụ việc này cũng cho thấy bộ TN&MT đã “tiền hậu bất nhất” khi lúc đầu đồng ý cho nhận chìm chất bùn thải, sau đó vì dư luận phản ứng mới thay đổi phương án”.
GS.TS KH Lê Huy Bá đặc biệt khuyến cáo: “Chấp thuận cho đổ chất bùn thải sang vị trí mới cũng phải hết sức thận trọng bởi nếu không cẩn thận, chất bùn thải độc hại sẽ thấm ra biển, ngấm vào đất gây ô nhiễm. Trước tiên, doanh nghiệp phải lên phương án đổ chất bùn thải như thế nào, đóng thành khối cố định hay đổ tràn..., sau đó các nhà thẩm định ĐTM (đánh giá tác động môi trường-PV) đánh giá xem cách thức đó có đảm bảo không, có ảnh hưởng đến môi trường hay không. Vị trí đổ chất thải cũng cần phải được cách ly, cố định có thể quây bê tông lại và xử lý kỹ thuật để số bùn thải đó không thể thấm, ngấm ra ngoài được.
Việc cách ly chất này với môi trường đặc biệt quan trọng và cần phải có sự giám sát của các nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá tác động môi trường để đảm bảo việc đó sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường".
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Vinh (Đại biểu quốc hội khóa 12, 13), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng cho rằng: “Bộ TN&MT giải thích rằng nhiều nước trên thế giới cũng đổ chất bùn thải này xuống biển để lấn biển. Tuy nhiên, người ta chỉ đổ sau khi đã có bờ kè, có đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là chất bùn thải đổ ra phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, việc nhận chìm bùn thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có làm được như vậy không? Hơn nữa, những đánh giá tác động môi trường về việc đổ chất bùn thải xuống biển ra sao cũng chưa có và chưa thuyết phục.
Việc chuyển phương án đổ chất bùn thải sang vị trí mới cũng cần phải có sự đánh giá một cách chi tiết, cẩn trọng trước khi thực hiện. Phải mời các nhà khoa học hàng đầu trong nước, cần thiết thì mời các chuyên gia môi trường quốc tế sang đánh giá tác động môi trường ra sao, có ảnh hưởng hay không và phải có phương án rõ ràng, công khai để dư luận biết và giám sát. Vấn đề quan trọng làm thế nào để có phương án tối ưu nhất, nhà máy nhiệt điện vẫn sản xuất được mà không ảnh hưởng đến môi trường”.
Ông Trần Ngọc Vinh thẳng thắn chỉ rõ: “Bộ TN&MT phải xem xét lại trách nhiệm của mình bởi lúc đầu chính Bộ là đơn vị cấp giấy phép cho việc nhận chìm gần 1 triệu m3 chất bùn thải xuống biển, sau đó vì vấp phải sự phản đối của dư luận nên Bộ mới cho dừng và thay đổi vị trí đổ chất bùn thải mới. Bộ cần trả lời rõ ràng để dư luận biết về sự “tiền hậu bất nhất” này”.
Trì hoãn theo giấy phép, có thể bị phạt 620.000 USD/ngày? Nói về việc rắc rối trong quá trình triển khai giấy phép, trả lời trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tối 3/8, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Với những việc Bộ đã làm và đang làm, chủ đầu tư không thể phản ứng được. Tôi tin là như vậy. Hiện viện Hàn lâm Khoa học đã vào kiểm tra lại, có thể tới đây, họ sẽ có ý kiến. Việc này cần nhiều thời gian và như thế có thể sẽ trì hoãn việc nhận chìm theo giấy phép. Theo thỏa thuận BOT, tháng 11/2017, tàu than phải cập cảng được để Vĩnh Tân 1 chạy tổ máy đầu tiên. Bộ đã cấp phép cho chủ đầu tư từ nửa cuối tháng Sáu, đến giờ là “nằm im” hơn tháng rồi. Về hợp đồng kinh tế với nhà đầu tư, nếu chậm trễ tiến độ, sau này, chứng minh được lỗi của bên nào thì bên đó phải bồi thường 620.000 USD/ngày. Đây là hợp đồng ràng buộc BOT. Bài toán của ta là phải theo đúng luật và cơ sở khoa học xác đáng”. |
Lại Cường - Vũ Phương