Tờ Stripes dẫn nguồn Hải quân Mỹ hôm 30/5 cho biết có 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm và 18 lực lượng bộ binh quốc gia cùng hơn 200 chiến đấu cơ và 25.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8 tới.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel tham gia các nội dung diễn tập tại RIMPAC, Hải quân Mỹ cho biết.
Tuần trước, Mỹ đã hủy lời mời tham gia RIMPAC đối với Trung Quốc, quốc gia từng đưa quân nhân và tàu chiến tới tham gia tập trận vào các năm 2014 và 2016.
Trung tá Thủy quân Lục chiến Christopher Logan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, thông báo với các phóng viên rằng đây là động thái đầu tiên của Washington nhằm phản đối các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh đã trái phép mở rộng, bồi đắp các đảo nhân tạo ở vùng biển này để phục vụ các hoạt động quân sự, ông cho biết.
“Hành động của Trung Quốc không phù hợp với những nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC. Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và hệ thống thiết bị gây nhiễu ở các thực thể tranh chấp tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông”.
Năm nay, chủ đề cuộc tập trận RIMPAC là “Năng lực, Thích ứng, Đối tác”. Những nước tham gia tập trận sẽ thực hành, phô diễn năng lực và thể hiện sự linh hoạt của lực lượng hải quân.
RIMPAC 2018 sẽ do Phó Đô đốc John D Alexander, Chỉ huy Hạm đội 3 của Mỹ, dẫn đầu. Đáng chú ý, cuộc tập trận năm nay sẽ có các hoạt động bắn đạn thật. Trong đó, máy bay của Không quân Mỹ sẽ phóng tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), còn Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ phóng tên lửa chống hạm và Lục quân Mỹ sẽ phóng tên lửa tấn công trên biển.
Các quốc gia khác tham gia RIMPAC còn có Australia, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga và Anh.
Xem thêm: Quân đội Syria ra tối hậu thư, đè bẹp đoàn xe phiến quân nổi dậy