Cô bé nhỏ tuổi nhất đi đăng ký hiến tạng cùng gia đình
Mới đây, nhiều người dùng mạng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước hành động của gia đình TS. Đặng Hoàng Giang (Hà Nội). Bởi, cả gia đình anh đã cùng đi đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người, trong đó có cô con gái Mai An mới 11 tuổi. Trong giây phút nhìn con gái tích ở ô ghi chữ “tim” anh Giang đã vỡ òa cảm xúc. Có lẽ con gái anh đã hiểu được giá trị của cuộc sống, cho đi mà không cần nhận lại.
Trên trang cá nhân của mình anh Giang viết: “Sáng nay, cả gia đình tôi ngồi cạnh nhau trong căn phòng bé tí của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, đặt bên trong Bệnh viện Việt - Đức, để đăng ký hiến tạng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu kết thúc hành trình cận tử năm qua của tôi.
Trong ảnh, Mai An (11 tuổi) đang điền vào tờ đăng ký. Mai An đánh dấu vào các ô thận, tuỵ, gan, xương... rồi dừng lại ngần ngừ rất lâu ở ô ghi chữ“tim”.
Giây phút ngồi trước tờ đơn đăng ký này là một trong những giây phút mà người ta đối mặt với cái chết của mình một cách trực diện nhất, trần trụi nhất. Một cảm giác bất an, sợ hãi dâng lên trong lòng.
Mãi sau, Mai An cũng đánh dấu vào ô “tim” và đưa tờ đăng ký cho anh nhân viên trung tâm. An cũng đổi ý kiến ban đầu và đồng ý để Trung tâm công bố danh tính của mình cho người nhận tạng (nếu họ muốn biết) và dùng làm truyền thông.
Ở Việt Nam, quan niệm “chết phải toàn thây” trong xã hội đang cản trở người dân đến với việc hiến tạng. Mỗi năm, hàng chục ngàn người chết não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, nhưng hầu như không có ai đăng ký hiến tạng, khiến hàng ngàn người cần tim, thận, gan... không có cơ hội được sống.
Cuối cùng, An cảm thấy vui vẻ khi hình dung trái tim của mình đập tiếp trong cơ thể của một bạn khác, và tự hào kể lại với ông bà. Theo anh Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc trung tâm, Mai An và Mai Chi đã trở thành những trẻ vị thành niên đầu tiên của Việt Nam mang theo người thẻ đăng ký hiến tạng".
Sau khi câu chuyện của anh Giang được chia sẻ, không ít người cảm phục trước sự dũng cảm của gia đình anh. Họ dành tặng gia đình TS. Đặng Hoàng Giang những lời cảm ơn chân thành nhất.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hoàng Giang. Khi được hỏi về việc cả gia đình quyết định đăng ký hiến tạng, anh Giang cho biết: “Trong năm qua tôi đã gặp một số người bệnh giai đoạn cuối có mong muốn hiến tạng. Nhiều người phải đấu tranh, thuyết phục gia đình rất vất vả. Tôi cũng thấy được hiện trạng thiếu tạng trầm trọng ở Việt Nam, do chúng ta chưa có truyền thống làm việc này và quan niệm về chết toàn thây gây cản trở. Những trải nghiệm này khiến gia đình tôi có mong muốn đăng ký hiến tạng, hy vọng rằng cái chết của mình còn có ích cho người khác. Trước đó, chúng tôi đã có nhiều buổi nói chuyện trong gia đình về chủ đề này”.
Cho đi chính là hạnh phúc
Không chỉ có anh Giang mà các thành viên trong gia đình anh đều hiểu được ý nghĩa của việc làm này. Và khi đăng ký hiến tạng, cô con gái Mai An đã đánh dấu vào ô hiến tặng thận, tụy, gan, xương... tuy nhiên lại ngần ngừ ở ô hiến “tim”. Nhưng không lâu sau đó, bé đã tích đồng ý vào ô quan trọng nhất “hiến tim”.
“Đó là giây phút tôi cảm thấy rất rõ cuộc đời của tôi, của con gái tôi là hữu hạn. Ý thức về sự hữu hạn này nhắc nhở tôi dùng thời gian một cách có ý nghĩa, không hoang phí nó. Nhắc nhở tôi trân quý sự hiện diện của người thân xung quanh. Tôi cũng thấy vui khi các thành viên trong gia đình tôi có sự dũng cảm nhìn thẳng vào cái chết của mình chứ không lảng tránh nó trong sợ hãi” TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ.
Khi được hỏi, với một đứa trẻ như Mai An liệu có hiểu được hành động mình đang làm thì anh Giang khẳng định: “Kể cả với một đứa trẻ 11 tuổi, hiến tạng không phải là điều gì khó hiểu. Tuổi đó là tuổi đã hiểu rõ về cái chết, về những gì xảy với cơ thể người khi qua đời và việc hiến tạng có ý nghĩa nhân văn như thế nào”.
Trong giây phút cầm bút điền vào bản đăng ký hiến tạng, có lẽ cô bé Mai An là người có nhiều tâm trạng hơn cả. Chia sẻ thêm với PV, Mai An cho biết: “Giây phút đó con cảm thấy rất sợ vì khi đó con nghĩ đến cái chết. Nhưng sau khi được bố mẹ giải thích, đồng thời nghĩ rằng khi mình mất đi, trái tim của mình cũng không dùng được vậy thì có thể chuyển cho người khác, cứu sống người khác.Vì lẽ đó, con đã đồng ý tích vào ô đăng ký hiến tạng”.
Theo lời chia sẻ của Mai An, trước khi đặt bút ký hiến tạng, cô bé này đã được bố mẹ giải thích rất rõ về việc làm này, đó là khi mình qua đời có thể giúp thêm cho những người khác có sự sống. Đó là lý do vì sao Mai An cùng gia đình mình quyết định hiến tạng.
Mai An chia sẻ thêm: “Từ ngày đăng ký hiến tạng về con chỉ kịp chia sẻ với ông bà và con cảm thấy rất vui về quyết định của mình. Sau lần đăng ký hiến này, con sẽ chia sẻ với bạn bè và mong muốn hành động của mình sẽ góp phần lan tỏa đến cộng đồng”.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Giang lại một lần nữa nhấn mạnh về những người đã hiểu sai việc đăng ký hiến tạng. Anh hy vọng rằng mỗi người nên bỏ chút ít thời gian để làm việc này, bởi nó sẽ cho chúng ta niềm vui cuối cùng, ý nghĩa cuối cùng lúc cuối đời. Anh Giang cũng mong muốn những người đang giữ trong mình quan niệm về cái chết “phải toàn thây” hãy suy nghĩ lại. Bởi, không tôn giáo nào phản đối việc hiến tạng. Ngược lại, việc tu nhân tích đức được coi là tối quan trọng trong tín ngưỡng dân gian, và không có tích đức nào lớn hơn là việc đem lại sự sống cho người khác khi mình đã qua đời.