Tàu thăm dò Mặt trời Parker (Parker Solar Probe), được đặt theo tên nhà vật lý thiên văn Eugene Parker, là một trong những nhiệm vụ táo bạo nhất mà NASA từng thực hiện. Phóng cách đây 3 năm, mục tiêu của con tàu là bay qua Mặt trời ngày càng gần hơn.
Để thực hiện nhiệm vụ, Parker Solar Probe được bảo vệ bởi lớp giáp nhiệt làm bằng carbon composite phủ gốm dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.377 độ C đủ để nó có thể chống chọi khi tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách 6,16 triệu km, gấp gần 7 lần so với kỷ lục 43 triệu km mà tàu vũ trụ Helios 2 thực hiện năm 1976.
Tàu di chuyển ở tốc độ cực nhanh, hơn 500.000 km/h. Phương pháp của tàu thăm dò là đến gần Mặt trời và bay ra xa thật nhanh, tiến hành đo môi trường Mặt trời với một loạt thiết bị nằm sau tấm chắn nhiệt dày.
Hồi tháng 4 năm nay, tàu Parker đã bay xuyên qua vành nhật hoa (phần ngoài cùng của vùng không khí xung quanh Mặt trời) trong lần thứ 8 tiếp cận gần Mặt trời. Tuy nhiên, kết quả phân tích dữ liệu giờ đây mới chính thức xác nhận chuyến bay. Tàu Parker đã trải qua nhiệt độ và bức xạ cực hạn để thu thập dữ liệu mới về cơ chế hoạt động của Mặt trời.
“Việc chạm vào Mặt trời là một bước tiến lớn đối với nhân loại, giúp phát hiện thông tin quan trọng về ngôi sao gần Trái đất nhất và ảnh hưởng của nó đối với hệ Mặt trời", Nicola Fox, Giám đốc bộ phận khoa học vật lý Mặt trời của NASA, cho biết.
Cụ thể, hôm 28/4, tàu Parker bay qua ranh giới Alfvén. Đây là rìa ngoài cùng của vành nhật hoa. Ranh giới Alfvén cũng là điểm vật chất Mặt trời thoát khỏi lực hấp dẫn và từ trường để bắn vào không gian. Tàu Parker lao qua ranh giới này ở độ cao 13 triệu km phía trên bề mặt. Dữ liệu của tàu thăm dò cho thấy con tàu đã bay qua phía trên và dưới ranh giới Alfvén 3 lần riêng biệt trong thời gian 5 giờ.
"Chúng tôi nhận thấy điều kiện thay đổi hoàn toàn. Bên trong vành nhật hoa, từ trường của Mặt trời trở nên mạnh hơn nhiều và chi phối chuyển động của các hạt ở đó. Vì vậy, tàu vũ trụ thực sự tiếp xúc với Mặt trời", nhà nghiên cứu Stuart Bale ở Đại học California, nói.
Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến vành nhật hoa bởi đó là nơi diễn ra một số quá trình quan trọng chưa thể lý giải. Một trong số đó là hiện tượng counter-intuitive superheating. Nhiệt độ của Mặt Trời ở khí quyển vào khoảng 6.000 độ C nhưng bên trong vành nhật hoa, độ nóng lên tới 1 triệu độ C hoặc hơn.
Nhóm nghiên cứu dự án Parker sẽ thu thập thêm nhiều dữ liệu khi tàu thăm dò tiến sâu hơn vào vành nhật hoa ở những lần bay gần Mặt trời trong tương lai. Chuyến bay tới Mặt trời tiếp theo của tàu Parker dự kiến diễn ra vào tháng 1/2022. Con tàu sẽ bay cách quang quyển 7 triệu km năm 2025.
Kết quả mới nhất từ nhiệm vụ Parker được NASA công bố tại hội nghị mùa thu của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ tại New Orleans.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, VTC)