Đồng cảm của những người lính
Từng là người lính bộ đội Cụ Hồ, tham chiến trên nhiều chiến trường trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, vậy nên khi nghe gia đình bà Cú trình bày về hoàn cảnh xuất thân và hành trình vướng vào vòng lao lý của ông Sường, luật sư Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc công ty Luật Hòa Lợi rất đồng cảm.
“Khi được nghe về những gì ông Sường đã làm trong quá khứ, tôi ấn tượng đồng cảm bởi tôi cũng xuất thân từ một người lính trong thời kỳ chiến tranh. Tôi tự đặt mình vào vị trí của ông Sường thời điểm đó mà suy nghĩ: Trải qua 10 năm ở nơi chiến trường khốc liệt, điều một người lính khát khao nhất sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng là trở về quê hương với gia đình, vợ con. Một người như ông Sường liệu có thể tự tay giết chết mẹ của các con mình?”, luật sư Hòa hồi tưởng lại ngày ông quyết định giúp gia đình ông Sường giải tiếng oan.
Tiếp cận về hồ sơ, giấy tờ kêu oan của gia đình bà Cú, luật sư Hòa đặc biệt lưu ý đến đơn kêu oan của ông Sường viết từ năm 2008, đặc biệt là cuốn nhận ký của ông Sường viết trong thời gian ở tù. Trong hồ sơ có rất nhiều phiếu báo tin, trả lời đơn thư của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang, ban tiếp công dân của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp tố tụng Trung ương…
Hành trình gian nan
Bằng giọng trầm ấm, và chất giọng đặc trưng của người dân đất Thạch Thất, luật sư Hòa trầm tư kể lại cho chúng tôi nghe về hành trình gần 2 năm đi tìm lại công bằng và kêu oan cho ông Mưu Quý Sường.
“Sau buổi tiếp gia đình, tôi đặc biệt lưu ý đến việc ông Sường đã mất vào đầu năm 2014 dương lịch. Gia đình có hỏi đi hỏi lại tôi rằng ông Sường đã mất rồi, liệu luật sư có giúp được không? Có giải oan được không? Tôi trả lời rằng nếu đủ căn cứ pháp lý, đủ chứng cứ thì việc đề nghị minh oan cho ông Sường vẫn tiến hành được”, luật sư Hòa chậm rãi kể.
“Sau thời gian nghiên cứu hồ sơ, tôi quyết định mời một vài người đi cùng lên tận quê ông Sường, trước để thăm gia đình và quan trọng hơn là trực tiếp quan sát lại nơi được coi là “hiện trường vụ án” trước đây xem có khớp với hồ sơ hay không.
Sau khi quan sát khu vực trước đây ông Sường cùng bà Múi sinh sống, tận mục sở thị con suối sau nhà rồi xâu chuỗi với lời kể của bà Cú, tôi càng tin chắc rằng ông Sường không phải là người giết vợ. Có một vấn đề cần lưu tâm nữa là khi vụ án xảy ra con trai ông Sường mới được có 6 tháng tuổi...
Một cơ sở quan trọng để đánh giá về con người ông Sường đó là sau khi xuất ngũ về quê hương. Với vai trò là Đảng viên, cán bộ trong quân đội phục viên về đã được Đảng ủy, bà con nhân dân quý mến và tín nhiệm giao cho làm Phó chủ nhiệm hợp tác xã Nội Thành”, luật sư Hòa cho hay
Qua lời gia đình kể lại và tìm hiểu một số người ở xung quanh, luật sư được biết khi xảy ra vụ án mạng thì ông Sường đang cùng với bà con xã viên đi đắp đập ở đầu nguồn chứ không có ở nhà.
“Tôi lên thăm hiện trường vụ án năm xưa, tôi được biết bố nuôi của ông Sường đã cùng với họ hàng hồi hương nên việc gặp những người thân trong gia đình ông Sường để tìm hiểu là không thể. Đây là điều rất khó khăn khi chúng tôi muốn biết về quá khứ của ông Sường”, luật sư Hòa nói.
Bằng những linh cảm, kinh nghiệm của một người hành nghề luật lâu năm, luật sư Hòa nhận định rằng ông Sường đã bị bắt giam oan. Sau khi ở hiện trường trở về, ông Hòa và các đồng nghiệp bắt đầu ngày đêm nghiên cứu hồ sơ vụ án. Xác định mình làm việc thiện để giúp người, luật sư Hòa quyết định trợ giúp pháp lý miễn phí.
Khi bắt đầu bắt tay vào việc tìm lại công bằng cho ông Sường, ông có lưu ý đến lời di chúc của ông Sường trước khi lâm chung. Ông Sường dặn đi dặn lại các con: “Bố không giết vợ, bố bị oan, bố rất khổ tâm vì tiếng xấu của bố là món nợ nhục nhã truyền kiếp đối với gia đình các con, các cháu sau này. Nếu các con không minh oan được cho bố thì sẽ bị người đời coi khinh và bị chính quyền mặc cảm hết đời này sang đời khác, không rửa được đâu con ạ. Các con phải cố kêu oan, minh oan cho bố...”. Những lời dặn dò của người quá cố như liều thuốc thú đẩy sự quyết tâm của luật sư và gia đình ông Sường, khiến họ quyết đi kêu oan và trả lại sự trong sạch cho ông Sường.
Trong quá trình đi kêu oan cho ông Sường, việc đầu tiên là luật sư Hòa soạn một lá đơn kêu oan gửi bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao. Sau khi đơn thư gửi đi, luật sư Hòa có nhận được giấy báo tin của của các cơ quan tố tụng là đã nhận được đơn kêu oan của ông Mưu Quý Sường và đang xem xét làm rõ việc kêu oan. Mặt khác, luật sư Hòa làm đơn gửi về Công an tỉnh Bắc Giang, VKSND tỉnh Bắc Giang, TAND tỉnh Bắc Giang để đề nghị xem xét làm rõ vụ việc.
Tháng 9/2016, các cơ quan tố tụng Trung ương (bộ Công an, VKSND Tối cao) đã về làm việc với Công an tỉnh Bắc Giang.
“Trong các buổi làm việc với tôi, điều khiến gia đình ông Sường băn khoăn là vụ án này xảy ra quá lâu, hết thời hiệu khiếu nại. Tôi bảo họ là luật không quy định thời gian kêu oan để gia đình yên tâm. Sau khi nghiên cứu đơn đề nghị của tôi, các cơ quan tố tụng Trung ương và tỉnh Bắc Giang đã đồng ý xem xét, chỉ đạo thành lập tổ công tác để rà soát làm rõ vụ án", luật sư Hòa kể.
Và cuối cùng, niềm tin nội tâm của luật sư Nguyễn Văn Hòa đã giúp minh oan cho ông Mưu Quý Sường.
Theo đó, ngày 31/12/2017 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Mưu Quý Sường.
Ngày 29/1/2018 thay mặt các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang, ông Dương Ngọc Sáu (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang) đứng lên phát biểu, nói rằng được "phân công thay mặt các cơ quan tố tụng xin lỗi công khai" ông Sường tại UBND xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Chỉ tiếc rằng lúc này, ông Sường đã thành người thiên cổ.
Nhận lời xin lỗi sau hơn 40 năm chờ đợi, vợ con ông Sường vỡ òa trong hạnh phúc. Những giọt nước mắt mặn đắng thi nhau rơi trên gò má nhuốm màu thời gian của bà Cú, vợ ông. Vậy là cuối cùng, bà cũng đã rửa được tiếng oan cho chồng mình....
(Còn tiếp...)