Lần đầu tiết lộ chuyện đời của anh hùng Trần Văn Ơn

Lần đầu tiết lộ chuyện đời của anh hùng Trần Văn Ơn

Thứ 2, 09/12/2013 12:13

Tư chất vốn thông minh và nhạy cảm với cuộc sống, Trần Văn Ơn nhanh chóng trở thành trụ cột trong phong trào học sinh – sinh viên yêu nước của trường Petrus Ký. Nhưng tiếc thay “con đường làm quốc sự” của Trần Văn Ơn quá ngắn ngủi, hy sinh ở tuổi 15.

Dưới hồi ức của người chị dâu thứ 8, khi còn tại thế, “trò” Trần Văn Ơn được thầy cô, bạn bè quý mến, thương yêu. Trong gia đình, Trần Văn Ơn là người con ngoan hiền, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

Người con hiếu thảo

Men theo con đường làng nép mình dưới rặng dừa xanh, chúng tôi đến thăm thân tộc của anh hùng Trần Văn Ơn (ngụ ấp 4, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Trước nhà, tượng đài của vị anh hùng tuổi thiếu niên này được đặt trên một ao nước rộng lớn. Bà Đoàn Thị Thanh (84 tuổi, chị dâu thứ 8 của anh hùng Trần Văn Ơn) cho biết: “Ao nước này là dấu tích sau một trận oanh tạc dữ dội của Mỹ xuống quê hương xứ dừa. Chú Ơn ngã xuống dưới súng đạn quân thù. Hòa bình, gia đình đặt tượng đài chú trên chính hố bom do địch “mở” để gợi nhớ đến những tháng ngày bất khuất của chú khi còn sống”.

Xã hội - Lần đầu tiết lộ chuyện đời của anh hùng Trần Văn Ơn

Anh hùng Trần Văn Ơn nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy sau khi bị trọng thương.

Trong không gian thoáng đãng của ngôi nhà nhỏ, rợp mát dưới bóng dừa xanh, cụ Thanh tiết lộ với chúng tôi những điều thú vị về anh hùng Trần Văn Ơn. Câu chuyện bắt đầu từ những bức ảnh lưu niệm của gia đình. Đây cũng chính là thói quen thường lệ của cụ Thanh khi bắt đầu câu chuyện về người em chồng bất khuất. Cụ mang những tấm ra và hỏi ai là “chú Ơn trong những bức ảnh này”. Khi có người đáp đúng, mắt cụ ánh lên giữa niềm xúc động trào dâng trong tận đáy lòng. “Chú Ơn nhà tôi hồi xưa đẻ trong bọc điều nên lớn lên rất thông minh. Năm, bảy tuổi đầu, chú ấy đã có dung mạo khác người. Mười bốn, mười lăm tuổi đã nghĩ đến quốc gia đại sự”, cụ Thanh xúc động.

Cụ Thanh cho biết, Trần Văn Ơn sinh trưởng trong một gia đình nghèo 14 anh chị em có truyền thống yêu nước (ông là người con thứ 11). Cha ông là Trần Văn Nghĩa (quê TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), mẹ là Huỳnh Thị Tữu (quê tỉnh Bến Tre). Hầu hết các anh chị em trong gia đình ông đều tham gia cách mạng. Ông có người chị là Trần Thị Lễ, người phụ nữ đầu tiên của xã Phước Thạnh hy sinh trong kháng chiến để lại đứa con gái chưa đầy một tuổi.

Đối với cha mẹ, Trần Văn Ơn là người con hiếu thảo. Ông quan tâm lo lắng cho cha mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Cụ Thanh nhớ lại: “Ngày xưa, thầy (cha – PV), má chồng tôi nghèo lắm. Nhà có một cái mền (chăn), thầy nhường cho má đắp. Chú Ơn trông nom từng bữa ăn, giấc ngủ cho thầy, má. Thường ngày, chú hay nhắc chị Tư đi chợ mua cho thầy cái mền đắp. Thời gian khá lâu mà chưa mua được. Buổi sáng trước ngày chú hy sinh, khi đi ra khỏi cửa rồi mà chú vẫn chưa yên, cứ nhắc đi nhắc lại chuyện mua mền cho thầy”.

Tuổi thơ, Trần Văn Ơn từng trải qua tháng ngày cơ cực. Ông vừa học, vừa bán báo lấy tiền trang trải và quyên góp vào việc in ấn truyền đơn chống Pháp. Năm 1947, ông lên Sài Gòn ở nhà người chị thứ Tư trong một con hẻm nhỏ trên đường Dương Văn Dương (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Khi đó, ông là học sinh ưu tú của trường Petrus Trương Vĩnh Ký (gọi tắt Petrus Ký) được thầy cô, bạn bè quý mến.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Trần Văn Ơn đang vào độ tuổi 15, trong tâm tư chất chứa bao hoài bão. Cuộc sống xung quanh ông ngày một tàn khốc, mưa bom bão đạn triền miên, dân chúng lầm than, “sinh linh đồ thán”. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong khi miền Bắc được độc lập thì những ngày yên bình của miền Nam lại rất ngắn ngủi. Pháp mưu toan trở lại xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân bắt đầu với bao chết chóc, tang thương. Bạn bè ông, người bị giặc bắt, người bỏ nhà đi rồi biệt tích ở phương trời nào.

“Đầu năm 1949, có một trận càn của lính Lê Dương bắn giết 300 người dân vô tội tại ấp 3 (nay là ấp Phước Trạch) xã Phước Thạnh. Sự kiện đẫm máu đó đã gợi lên trong đầu óc non trẻ của chú Ơn bao suy nghĩ. Cộng với những năm theo học ở Sài Gòn, chú nhận ra rằng quê hương không phải chỉ biết cúi đầu khuất phục dưới ách bạo tàn, mà phải vùng lên bằng sự bất khuất của các tầng lớp nhân dân, trong đó có học sinh – sinh viên”, cụ Thanh kể lại.

Xã hội - Lần đầu tiết lộ chuyện đời của anh hùng Trần Văn Ơn (Hình 2).

Cụ Thanh hồi tưởng về người em bất khuất.

Người Anh hùng trẻ tuổi

Năm 1947 – 1948, Trần Văn Ơn gia nhập hội học sinh – sinh viên Nam Bộ và tích cực tham gia phong trào yêu nước tại trường Petrus Ký. Ông đã vận động nhiều học sinh tham gia phản đối vua bù nhìn Bảo Đại đến trường. Khi đó, ông ra sức tìm hiểu về chủ nghĩa Mác và chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa. Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Thành Dung (Nha Giám đốc Nam phần) ra lệnh đóng cửa trường vô thời hạn. “Thầy, má tôi thường nhắc, lúc đó, chú Ơn đang chuẩn bị thi Tú tài thì ngày 23/11/1949 ở Sài Gòn nổ ra phong trào học sinh – sinh viên đòi trả tự do cho những sinh viên bị bắt, phản đối chính sách khủng bố trong trường học. Phong trào như một đám cháy lớn nhanh chóng lan khắp các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ,... Thầy, má tôi hay chuyện chú Ơn hoạt động mà lo nhưng cũng đồng tình ủng hộ”, cụ Thanh bộc bạch.

Sáng 09/01/1950, một cuộc biểu tình của học sinh – sinh viên diễn ra tại Sài Gòn do Trần Văn Ơn dẫn đầu. Ngay lập tức, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính Lê Dương bao vây khu vực đang biểu tình. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn dũng cảm đương đầu hứng chịu “trận mưa” dùi cui giội xuống tới tấp để che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trước nguy cơ bị bắt, ông cùng các bạn đạp đổ hàng rào sắt tìm đường thoái lui. Bọn lính nổ súng, Trần Văn Ơn trọng thương ở đầu. Trước cơn thập tử nhất sinh, ông còn nói: “Anh em kết chặt hàng ngũ, cố gắng lên,...”. Ngay sau đó, ông được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy và trút hơi thở cuối cùng lúc 16h cùng ngày. Ông đã hy sinh đáp đền ân nghĩa núi sông trong sự tiếc thương vô hạn của hàng vạn đồng bào.

Cha mẹ Trần Văn Ơn đau đớn, vật vã trước cái chết của con. Ông, bà kéo đến dinh Thủ Hiến gặp Trần Văn Hữu (Thủ tướng Chính phủ – Chính quyền Sài Gòn) để đòi mạng sống của con mình. “Hay tin chú Ơn hy sinh, thầy, má tôi cảm thấy như một cuộc trời long đất lở đang xảy ra. Bữa ăn, giấc ngủ đều nhớ đến chú ấy. Khi đến dinh Thủ Hiến, tên Trần Văn Hữu chỉ biết xuống nước năn nỉ thầy, má. Rối quá không biết toan tính sao cho phải, ổng nói lỡ lời: “Ông bà muốn chúng tôi phải liệu tính thế nào hay để nhà Nước làm đám tang cho trò Ơn. Sau đám tang, chúng tôi làm một tấm “séc” cho ông bà và gia đình được hưởng sung sướng ở bất cứ nơi nào. Còn bằng không, tôi cũng họ Trần lại quyền cao chức trọng xin được thay thế làm con của ông bà để bù đắp”, cụ Thanh kể.

Trước tình thế đó, thân phụ anh hùng Trần Văn Ơn phản bác lại lời lẽ ngây ngô như trẻ con của Trần Văn Hữu. Nhìn về di ảnh song thân, cụ Thanh chùn giọng kể tiếp câu chuyện:  “Con tôi học trường Petrus Ký thì để trường lo liệu đám tang, an táng. Còn ai đã bắn chết con tôi thì phải có trách nhiệm làm cho con tôi sống lại. Chúng tôi không cần tiền. Chúng tôi chỉ cần con tôi sống lại như trước. Má tôi nắm lấy áo của Trần Văn Hữu và nhổ bã trầu khắp áo quần của hắn. Thầy, má tôi thương chú Ơn lắm”.

Tang lễ anh hùng Trần Văn Ơn tổ chức trọng thể tại trường Petrus Ký. Trước bàn thờ nghi ngút khói hương, từng dòng người nối nhau đến tưởng niệm vị anh hùng tuổi thiếu niên. Hơn nửa triệu người đủ mọi tầng lớp kết chặt hàng ngũ tiễn đưa “trò” Ơn về ký túc xá trường Petrus Ký (đất Chợ Lớn) để trọn đời yên giấc ngàn thu. “Đám tang của chú Ơn có bà lão khoảng 60, 70 tuổi đến bái lạy trước quan tài. Các học sinh trong trường nói “Trò Ơn tuổi đáng con, đáng cháu, cụ đừng làm thế trò Ơn thêm tội. Bà lão ấy tức tưởi đáp: “Tôi không lạy trò Ơn mà tôi lạy tiễn đưa người anh hùng dân tộc”, cụ Thanh ngậm ngùi chia sẻ.              

Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt

Đám tang Trần Văn Ơn đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng và tinh thần yêu nước của đồng bào Chợ Lớn, đánh thức tinh thần yêu nước trong giới trẻ lúc bấy giờ đặc biệt là học sinh – sinh viên. Ngày 09/01 năm ấy là ngày đẫm máu, ngày 09/01 hôm nay là ngày rực rỡ hoa thơm “Chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày 09/01/1950. Ngày trò Ơn đã “vui lòng” đem máu xương, sinh mạng của mình đổi lấy sinh mạng cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt”, trích điếu văn trong tang lễ anh hùng Trần Văn Ơn.  

Vinh Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.