Đoàn Văn Vươn có vẻ mạnh khỏe, trắng trẻo béo tốt hơn nhiều so với những phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Thân hình lực lưỡng, đôi vai cơ bắp, đôi cánh tay với hai bàn tay rắn chắc, đúng dáng vẻ của người cả chục năm trời lao động “lấn biển”.
Nụ cười của Vươn có vẻ hiền lành nên nếu gặp lần đầu, ai dám nghĩ đây là đối tượng táo tợn từng “bày binh bố trận” bằng những bom ga, đạn súng hoa cải… chống lại lực lượng chức năng?
Và mãi đến khi kết thúc cuộc nói chuyện dài, chúng tôi mới bất ngờ nhận ra: Cuộc đời của Vươn như kiếp “giã tràng xe cát”, từng cả đời theo đuổi ước mơ khó thực hiện là chinh phục biển cả, “nướng" tiền bạc công sức vào “cuộc chơi” đầy rủi ro tốn kém, không may mắn mất cả con gái với biển nên Vươn tuyệt vọng trước thiên nhiên và cay nghiệt với cuộc đời. Phải chăng đây cũng chính là lý do khiến Vươn từng điên cuồng chống người thi hành công vụ? Và cũng phải chăng vì thấu hiểu, thông cảm, nhân đạo với đối tượng đặc biệt này mà cơ quan chức năng đã dành cho Vươn với một mức án được đánh giá là tương đối khoan hồng, nhân đạo?
Mắt bừng sáng khi nhớ lại chuyện lấn biển
Kể về quãng thời gian “chiến đấu” với biển khơi, ánh mắt của Vươn dường như bừng sáng. Giây phút đó, dường như Vươn quên bẵng mình là người đang mang tội lỗi, phải mặc áo sọc và ngồi phía trong song sắt trại giam.
Vươn tâm sự sinh ra trong một gia đình đông con nhưng các anh chị em của Vươn đều được cha mẹ nghiêm khắc dạy dỗ. Sau một thời gian phục vụ trong quân đội ở một đơn vị công binh, năm 1987, Vươn xuất ngũ, trở lại quê nhà. Lấy vợ rồi sinh con, gánh mưu sinh đè nặng khiến Vươn phải xoay xở đủ cách kiếm tiền. Lúc này, gia đình ngoài nghề thuần nông còn có trang trại chăn nuôi vịt, nhưng không bằng lòng với vốn liếng đó, Vươn nghĩ phải có “vốn” kiến thức mới mong duy trì được no ấm lâu dài. Vươn đăng ký học một lớp tại chức về nông – lâm ở Trường Đại học Nông Nghiệp 1(nay là Đại học Nông Nghiệp Hà Nội). Tham gia mô hình học tập này, Vươn vừa có thể đi học thu thập kiến thức, vừa có thời gian chăn vịt, phụ giúp vợ nuôi con.
Cũng thời gian này, vùng cống Rộc (xã Vinh Quang, Tiên Lãng) chứng kiến một trận lũ lớn. Bạt ngàn gió bão và nước tràn về, “thổi bay” toàn bộ vùng cát phía ngoài đê biển quốc gia. Con đê chắn sóng thuộc tuyến đê 3, bao bọc toàn bộ vùng cửa sông Văn Úc, dù khá vững chãi nhưng phía ngoài trống trải, gặp mùa bão lớn, nước lũ vẫn vượt qua tràn vào làng xóm. Người dân không ai bảo ai, bỏ nhà bỏ cửa đi sơ tán. Trang trại chăn nuôi vịt của gia đình Vươn, dù nằm khá xa vùng lũ, cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trước những tai ương “thần biển” trực tiếp giáng xuống vùng đất mình sinh sống, dựa vào những kiến thức về nông lâm được học ở trường, Vươn bắt đầu cất công đi tìm lý do. “Hồi đó, tôi học khá giỏi về môn thổ nhưỡng. Khi nước lũ rút đi, ra quan sát cửa sông Văn Úc, tôi bỗng thấy có nhiều mâu thuẫn. Bởi cửa sông này có lượng phù sa rất lớn, hơn nhiều so với lượng phù sa từ cửa sông Thái Bình. Vậy tại sao, bên này lại bị xói lở ghê gớm như vậy?”, phạm nhân nhớ lại.
Tự đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời, vẫn bằng những kiến thức đã được học, Vươn đoán dòng chảy khu vực này bị một tác động nào đó khiến chuyển hướng, táp ngược vào vùng cát chân đê, nên gây xói lở. Sau khi đã chắc chắn nguyên nhân, trở lại trường học, Vươn xin được làm đề tài khảo sát cửa sông Văn Úc và vùng cống Rộc, qua đó tìm phương hướng gia cố vùng bãi ngoài đê biển quốc gia. “Chủ nhiệm lớp tôi lúc ấy là một cô giáo còn khá trẻ và rất nhiệt tình. Thấy tôi mạnh dạn, cô rất ủng hộ, cung cấp cho tôi nhiều tài liệu điều tra cơ bản các cửa sông ven biển. Có sự giúp đỡ từ cô, đề tài của tôi đã mang lại thành công ngoài mong đợi”, Vươn hồi ức.
Bấy giờ, cầm trong tay các loại tài liệu, Vươn mới vỡ lẽ, trước đây sông Thái Bình rất lớn. Nhưng sau nhiều thời gian bồi đắp, sông đã nhỏ đi. Trong khi đó, vì bị xói lở, cửa sông Văn Úc lại ngày càng phình to. Điều đó không phải ngẫu nhiên mà đã có nguyên do từ cả trăm năm trước. Theo các tài liệu, khi thực dân Pháp xâm lược, để đảm bảo vận tải biển ở Hải Phòng, họ đã đào một hệ thống sông cắt đôi vùng Tiên Lãng. Theo thời gian, dòng nước ngày càng đổ dồn về, gây xói lở. Vùng đất này đã từng chứng kiến 3 cơn lũ cực lớn, khiến toàn bộ khu vực bị dịch chuyển đi 4km. Có nghĩa là mặt nước mênh mông ở khu vực cống Rộc, trước đây vốn là khu dân cư, vì lũ lụt nên người ta phải bỏ làng bỏ xóm mà đi.
Qua các tài liệu nghiên cứu cùng với sự đào sâu suy nghĩ của bản thân, Vươn quả quyết nếu có thể làm một “kè mỏ hàn” phía ngoài đê biển, dòng nước sẽ được điều chỉnh, phù sa sẽ bồi, hết xói lở ngay. “Kè mỏ hàn là thuật ngữ chuyên môn. Hình dung như một con kè có hình chiếc mỏ hàn. Kè này nằm ngoài việc chặn đứng dòng nước xoáy vào bãi, nếu thành công, còn có tác dụng bồi đắp, gia cố vững chắc vùng đất chân đê”, phạm nhân Vươn giải thích.
Dựa trên đề tài nghiên cứu cả trăm trang giấy, Vươn rút gọn lại thành dự án xin đất “lấn biển” để nuôi trồng thủy sản, trình lên UBND huyện Tiên Lãng. Gần sáu tháng trời hồi hộp chờ đợi, không hề thấy hồi âm. Sợ những gì viết trên giấy chưa đủ chuyển tải ý mình, Vươn lên thẳng Ủy ban xin gặp một phó Chủ tịch huyện. Vươn cho rằng mình đã thuyết phục bởi cách nói hùng hồn. Những năm 1993 ấy, mọi việc dường như đơn giản, các thứ giấy quyết định, chứng nhận tương đối sơ sài. Anh nông dân ham làm nhưng “mù” luật không thể ngờ rằng đây chính là điểm mang lại cho mình nhiều rắc rối sau này.
Theo Nhóm phóng viên (PL & TĐ)