8 giờ 30, bắt đầu vào tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Biên Hoà), cô giáo April Gravette R. Miralles duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam đi xuống phòng bộ môn, vây quanh cô là hàng chục học sinh. Tiếng chào hỏi, trao đổi vang lên không ngớt giữa cô và trò, và tất cả đều sử dụng tiếng Anh. Tiết học tiếng Anh của học sinh trong trường giờ trở nên vui vẻ, sinh động và hứng thú như thế. Em Đặng Nguyễn Duy, học sinh lớp 6/2 cho biết, từ ngày được học với cô April, em thấy tự tin hơn về khả năng nghe, hiểu và nói tiếng Anh của mình.
Tạo làn gió mới
Cô Đỗ Thị Cao Sang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo - một trong 22 đơn vị tiếp nhận GV người Philippines cho biết, về chuyên môn, cô April có 2 bằng cử nhân Anh văn và Toán nên nhà trường rất yên tâm. Về tác phong, cô đã nhanh chóng hòa nhập với học sinh, các GV trong tổ bộ môn và thích nghi với môi trường mới rất nhanh, thậm chí đã học và nói được một ít tiếng Việt. Chỉ đến ngày thứ hai sau khi lên lớp, cô đã chủ động mặc áo dài như các nữ GV khác. Dịp nhà trường tổ chức cho học sinh đi chơi ở Đầm Sen vừa qua, cô cũng tích cực tham gia. April còn là một “cây” văn nghệ của trường, nên bước đầu đã được mọi người yêu mến.
Cô giáo April Gravette R. Miralles duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam đang giảng dạy tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lam |
Thầy Trần Minh Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền nhận xét, cô Gigi C. De Guzman, GV người Philippines giảng dạy tại trường rất nhiệt tình, tận tâm, sửa từng phát âm cho học sinh, chỉnh đốn câu từ, ngữ pháp rất tỉ mỉ nên học sinh rất hứng thú học tập. Không chỉ tạo sự đổi mới trong việc học tiếng Anh cho học sinh, ngay cả các GV trong trường cũng dần dần quen chuyện trò, trao đổi bằng tiếng Anh. “Như có một làn gió mới, mang yếu tố tích cực từ việc tiếp nhận GV Philippines về giảng dạy” - ông Phúc cho biết.
Hiện nay, để nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập, hầu như trường nào có tiếp nhận GV Philippines cũng thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh trong GV và học sinh, sinh hoạt hàng tuần theo từng chủ đề để tăng cường các kỹ năng nghe, nói và trình bày trước công chúng. Tất cả các trường đều phấn khởi nhìn nhận, sự có mặt của các GV Philippines bước đầu đã tạo được cú hích lớn trong việc giảng dạy và học tập tiếng Anh trong nhà trường.
Chưa phát huy hết lợi thế
Cô ErLinda L. Itac, GV được phân công về Trường tiểu học Tân Phong B (TP. Biên Hòa) cho biết, cô có học vị thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục, nên khi sang làm việc tại Đồng Nai bước đầu cũng ít nhiều lúng túng vì chưa quen giảng dạy với đối tượng học sinh tiểu học. Đặc điểm của học sinh tiểu học là thường ít chủ động trong tiếp thu kiến thức, lượng kiến thức tiếp nhận hạn chế và có chọn lọc, trong khi cô quen với phương pháp làm việc với người lớn là cung cấp nhiều thông tin, vì thế cũng phải điều chỉnh dần dần cho phù hợp môi trường mới.
NGND Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh thì cho biết, trường đang tiến tới lộ trình giảng dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, bắt đầu là từ môn Toán, nhưng thầy Jose P. Medina, GV người Philippines được phân về lại là thạc sĩ chuyên ngành sinh học và giáo dục học, vì thế dù GV giảng dạy tiếng Anh tốt, phương pháp sư phạm khá vững, tạo hứng thú cho học sinh nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng nhu cầu của nhà trường. Bước đầu, nhà trường linh động bố trí GV dạy môn Sinh bằng tiếng Anh ở lớp không chuyên như một thử nghiệm, nhưng về lâu dài nhà trường vẫn mong muốn được tăng cường GV có thể giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh.
Theo nhận xét của ban giám hiệu các trường có tiếp nhận GV Philippines, hầu hết GV đều có chuyên môn tốt, đặc biệt là kỹ năng nói với cách phát âm chuẩn, dễ nghe. Về phong cách sinh hoạt, do trẻ tuổi nên các GV hòa đồng nhanh với học sinh và các GV địa phương, lại siêng năng, nhiệt tình, năng động và chịu khó nên được mọi người quý mến, kể cả phụ huynh. Một đặc điểm nữa rất gần gũi với tính cách người Việt, là các GV người Philippines phần lớn sống rất tiết kiệm, nhằm dành dụm tiền lương, thu nhập gửi về phụ giúp gia đình. |
Thầy Hoàng Trọng Hiếu, GV Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom), nhận xét, trong khi thầy Eduard A. Garces, GV người Philippines của trường có bằng 2 thạc sĩ ngôn ngữ Anh và giáo dục học thì học sinh của trường do ở vùng nông thôn, yếu tiếng Anh nên khả năng nghe, hiểu rất hạn chế, vì vậy “độ chênh” giữa thầy và trò hiện nay là khá lớn. Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh Hồ Sỹ Mạnh cho biết, thầy giáo người Philippines do còn trẻ, ít kinh nghiệm giảng dạy nên học sinh nghe, hiểu cũng chưa được nhiều.
Hiện nay, các trường đều chưa bố trí GV Philippines đứng lớp một mình, các tiết dạy đều phải có GV trong tổ bộ môn tiếng Anh đi kèm cũng như hướng dẫn cách soạn giáo án. Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên Trần Minh Tâm thì bày tỏ băn khoăn về việc bố trí sử dụng GV Philippines vào dịp hè sao cho hiệu quả, trong khi các lớp học chính khóa đều nghỉ. “Trước mắt, nhà trường sẽ bố trí GV tham gia giảng dạy cho khối 12, đội tuyển học sinh giỏi, nhưng nếu Sở GD-ĐT làm “tổng chỉ huy”, phối hợp toàn thể GV người Philippines trên địa bàn TP. Biên Hòa sẽ hiệu quả hơn” - ông Tâm đề nghị.
Theo Hà Lam (Báo Đồng Nai)