Lan man váy khố nhân một bức ảnh

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 6, 08/03/2024 07:00

Cha ông ta xưa đa phần đóng khố, phụ nữ thì váy. Đứng về mặt váy và khố thì đúng là váy và khố của người Tây Nguyên đẹp hơn.

Hôm trước, khi bài “Văn hóa ngập ngừng” của tôi đăng ở mục này, có một anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh gửi cho tôi cái ảnh một nghệ nhân mặc sịp thay khố chơi chiêng ở một khu công cộng. Sở dĩ anh gửi vì đọc trong bài có đoạn “Nhưng rồi không gian làng thay đổi, từ thay đổi từ từ, rón rén, dần dần, tới thay đổi khốc liệt do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan”. Tôi đăng cái ảnh lên facebook và tạo một cơn bão nhẹ, nhiều người lấy về, nhiều ý kiến sôi nổi...

Mới bèn lẩn thẩn nghĩ ngược, tự thuở loài người chưa... áo quần.

Đa chiều - Lan man váy khố nhân một bức ảnh

Ảnh: Văn Công Hùng

Thì cứ bầy đàn hang đá thế, một hôm tự nhiên thấy ngượng. Bèn lấy lá che. Thực ra cho tới tận cách đây vài mươi năm, tôi đi đò từ Huế về nhà, qua vài khúc sông, các bác dân chài vẫn khỏa thân trên thuyền. Dáng chắc lẳn, da như đồng hun tạc vào nắng chiều, đẹp hơn cả tượng Đa Vít thời Phục hưng nữa.

Ở bảo tàng Gia Lai đang trưng bày cái áo vỏ cây. Gọi vỏ cây nhưng nó chính là những cái sợi phía trong vỏ cây chứ không ai khoác cả cái vỏ cây xù xì lên người cả. Chỉ có một số loại vỏ cây có thể sử dụng làm trang phục được, đó là loại vỏ cây có một lớp lụa bền chắc bên trong.

Sau khi lấy về được mang luộc chín lột lấy lớp lụa, giặt sạch rồi vò cho mềm sau đó mang phơi khô. Khi đã khô, người ta tước vỏ lụa ra thành sợi như sợi chỉ và đưa vào khung để dệt. Cũng có trường hợp để nguyên thế quấn quanh người.

Cha ông ta xưa, cả người Kinh và người bản địa Tây Nguyên, đa phần đóng khố, phụ nữ thì váy. Đứng về mặt váy và khố thì đúng là váy và khố của người Tây Nguyên đẹp hơn. Nó được dệt rất công phu tỉ mỉ với họa tiết, hoa văn rất đẹp. Khố của các cụ người Kinh xưa đơn giản, không hoa văn, không sặc sỡ như khố người Tây Nguyên.

Đa chiều - Lan man váy khố nhân một bức ảnh (Hình 2).

Ảnh: Văn Công Hùng

Váy của các bà người Kinh còn có chức năng nữa là để... đo ruộng. Khổ váy từng ấy, một sải là bao nhiêu, cứ thế nhân lên. Trừ cái váy của mấy bà mấy chị thị thành có váy lĩnh váy the, váy của bà con nông thôn bằng loại vải thô, nhuộm lá bàng rồi nhận bùn mấy lần, cứng như... mo nang, mặc rất bền.

Đa phần hồi ấy, trong khố, trong váy là... không còn gì?

Vừa rồi dư luận ồn lên vụ “khu mấn”. Là một anh nhạc sĩ kiêm ca sĩ khá nổi tiếng, có nhiều bài hát hay về xứ Nghệ tự nhiên làm bài hát lại mời người ta xơi... khu mấn, thế là bị tổng xỉ vả. Khu mấn chính là cái phía sau của váy ấy, phần mông ấy.

Cái váy của phụ nữ Tây Nguyên ấy, phía sau mông có một dải hoa văn rất đẹp. Té ra nó còn có những công dụng khác nữa...

Khố cũng không chỉ là khố mà nó là những tấm hoa văn tinh xảo có tua sặc sỡ ở 2 đầu thả dài quá đầu gối để mỗi bước đi, khố tung lên như những áng mây ngũ sắc, bề ngang 80 phân, bề dài từ 2 đến 4 mét.

Rồi ngành phục trang lót ra đời, người ta bỏ công bỏ của thiết kế những bộ lót rất đẹp và tiện. Lót nhưng không lót, mà nó tôn vẻ đẹp lên. Lót nhưng tiền triệu tới nhiều triệu. Nó như trong nhà giờ ấy, khu xịn nhất, đẹp nhất, hiện đại nhất là toilet, nhưng toàn bị gọi là khu... phụ.

Giờ thì khác nhiều, trong khố trong váy còn đồ lót, nhất là khi đi ra đường. Nên cái anh chàng chơi chiêng ấy, có cái sịp hàng hiệu (là căn cứ theo nhãn) là đúng, nhưng tại sao anh không quấn khổ bên ngoài thì... không biết.

Tôi còn thấy có người chơi quần lửng, thậm chí quần dài, rồi cũng... quấn khố. Ý như phải quấn cái khố vào nó mới... bản sắc vậy.

Ngày nay có ngày No Bra. Thực ra trước đấy, ngày xưa ấy, chị em ta toàn... no bra. Phụ nữ Kinh ngày xưa mặc yếm.

Mới đây vừa có phong trào mặc yếm trở lại, nhưng được đâu một năm thì lại biến mất. Chị em trẻ bây giờ nghe tả cái yếm sẽ hình dung mãi không ra. Mẹ tôi, cán bộ thoát ly từ năm 1945, vẫn trung thành với răng đen và yếm.

Chị em Tây Nguyên bản địa thì mặc áo ló. Cái áo vui lắm, có tay nhưng không xỏ vào mà thả thõng xuống, tay vẫn ở ngoài, vai trần mướt mát.

Xưa có mấy ông nhà văn nhà báo hay viết “sơn nữ ngực trần” giờ chả còn nữa. Đúng là ngày xưa chị em phụ nữ Tây Nguyên hay cởi trần, ngực thả căng tự nhiên, cong vút và săn chắc. Khi nào có chồng rồi thì mới mặc áo. Tới khi có con lại... ở trần để con dễ bú. Có người địu con sau lưng mà vẫn cho con bú được.

Đa chiều - Lan man váy khố nhân một bức ảnh (Hình 3).

Ảnh: Văn Công Hùng

Người Tây Nguyên bản địa ngày xưa lấy sợi cây gai rừng dệt vải, rồi cũng lấy các loại màu tự nhiên để nhuộm. Các tấm vải ấy, người Kinh bây giờ gọi chung là... thổ cẩm, để làm tấm dồ quấn quanh người (đàn ông), làm khố và váy. Hoa văn nhìn tưởng là giống nhau nhưng thực ra thì mỗi dân tộc mỗi khác, người tinh và hiểu biết mới nhận ra.

Váy áo của phụ nữ Tây Nguyên là cả một công trình nghệ thuật, dù rất thủ công, hoàn toàn thủ công, nhưng khi hoàn thành nó là tuyệt tác của kỹ thuật dệt, của phối màu, của bố cục hoa văn…

Váy của phụ nữ Tây Nguyên là những tấm vải dài sát gót, được quấn về một bên hông, có hoa văn ở cạp, gấu, và phía sau tương ứng với phần mông. Ở cạp váy phụ nữ Tây Nguyên còn đeo thêm các vòng cườm, lục lạc bằng đồng để khi di chuyển tạo ra các âm thanh vui tai, ngoài ra còn các đồ trang sức bằng bạc, đồng, ngà voi, răng thú vật (loại quý hiếm và dữ như cọp, gấu, lợn rừng...) được đeo ở cổ, tai, tay và cổ chân...

Tấm dồ là những tấm vải lớn có hoa văn ở 2 đầu, có thể có tua hoặc không có tua, dùng để đàn ông khoác ngang người, hoặc đắp khi ngủ, đàn bà dùng để địu con... nói chung nó là một vật dụng đa năng của cả đàn ông đàn bà Tây Nguyên.

Rất nhiều người Kinh bây giờ sưu tầm các tấm dồ này làm chăn đắp, hoặc làm tấm trải bàn cũng đẹp. Nó rất ấm so với trọng lượng tương đương của các loại chăn đơn khác trên thị trường.

Người phụ nữ Tây Nguyên trước khi lấy chồng thường bỏ ra cả năm để dệt một bộ váy áo mang về nhà chồng mặc trong những dịp lễ hội. Đấy là loại đặc biệt, hoa văn cực kỳ tinh xảo, màu sắc rực rỡ, còn bình thường thì họ vẫn dệt vải hàng ngày, thường xuyên cùng các công việc thường xuyên khác như lấy nước, giã gạo, đi rẫy...

Áo của các tộc người Tây Nguyên khác nhau rất rõ về hoa văn và màu sắc, tuy cũng là các màu nguyên như chàm, đỏ, đen, và thường là có tay nhưng lại… không dùng để xỏ tay vào mà để cho nó trôi ngoài cánh tay trần, gọi là áo ló, có lẽ cũng là loại thời trang rất hiếm hiện nay.

Nói chung, cho cùng ấy, con người phấn đấu để ăn ngon mặc đẹp. Mà cái đẹp thì tùy mắt nhìn. Nó hoàn toàn là quan điểm chủ quan của mỗi người. Tất nhiên, môn mỹ học nếu được giáo dục tốt thì cái sự đẹp nó không phản cảm, nó... thuận tự nhiên hơn.

Thì nhân cái vụ anh chàng chơi chiêng, xin lan man chút về trang phục nhân ngày 8/3...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.