Đang có chiến dịch “Chấn hưng văn hóa” rất lớn được toàn Đảng toàn dân quan tâm. Và Bộ Văn hóa đã kịp “vật chất hóa” nó ra bằng số tiền ba trăm năm mươi ngàn tỉ xin được cấp để chấn hưng.
Vấn đề là, tiền nhiều liệu có chấn hưng được văn hóa.
Thực ra thì đúng là rất khó, bởi nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì, nhưng tiền nhiều chắc gì đã có văn hóa mà thực tiễn hàng ngày chúng ta đã chứng kiến. Mới nhất là ở một ngôi đình cổ ở ngay Hà Nội, người ta đã “chấn hưng” nó bằng cách vôi ve lòe loẹt lên, rất lòe loẹt, rất rẻ tiền, rất xanh đỏ tím vàng... và rồi lại phải bỏ công bỏ của ra biến nó thành... như cũ. Thiếu gì ông bà đi xe sang hạ kính xuống nhổ toẹt xuống đường, hoặc dắt cho đi dạo thực chất là cho nó ra phố đi... vệ sinh.
Phải thẳng thắn thành thật mà nhìn thẳng, mà nói thật với nhau rằng là, văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, đang khủng hoảng rất nặng, ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.
Cái gốc rễ của văn hóa là sống đẹp, sống tốt với nhau, sống vì nhau đang bị tha hóa. Bây giờ người ta chỉ sống cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng hiếm. Bằng mọi cách người ta làm giàu và phô phang chuyện giàu. Có những kiểu giàu mà có khi ngay người trong cuộc nằm vắt tay lên trán cả năm, thức cả năm để tính thì vẫn không biết tại sao mình… giàu?
Nhớ cái thời nhường cơm sẻ áo, gửi chìa khóa cho nhau, giao nhà cửa cho nhau, hy sinh quyền lợi cho nhau, và hy sinh cả sinh mạng mình cho người khác sống… giờ có vẻ nó chỉ như cổ tích.
Người ta tha hóa từ những cái đơn giản nhất.
Tất nhiên, không phải không có người tốt. Rất nhiều nữa là đằng khác. Họ tự nguyện và âm thầm. Như chương trình “Cơm có thịt” của anh Trần Đăng Tuấn, chương trình sách cho nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, những người như anh chị Phước Hạt nuôi hàng trăm người tâm thần, như cha Đinh Minh Nhật nuôi hàng trăm cháu mồ côi, đều ở Tây Nguyên, và rất nhiều, nhiều nữa, từ hành động rút ví khi gặp các hoàn cảnh thương tâm, đến nồi cháo lặng lẽ khiêm tốn ở những góc sân bệnh viện, đến những chương trình dài hơi cho cộng đồng. Dịp Covid vừa qua, lũ lụt nữa, đã hiển hiện những ứng xử hết sức văn hóa từ cộng đồng. Nhưng cảm giác đấy mới chỉ là những hành động tự phát…
Cái chính là, có vẻ như chúng ta thiếu một cái nền vững chắc cho văn hóa phát triển. Hay chính xác hơn, cái nền ấy đang bị lung lay.
Thánh thần bị buôn bán, niềm tin bị đổ vỡ, người trên, người lớn không làm gương, những điều không thật thì lên ngôi còn sự thật bị rẻ rúng.
Thì cứ xem các vụ án lớn bây giờ đấy. Toàn những người từng ăn to nói lớn, từng “chăn dân” như luôn “trong veo” mọi nhẽ. Oạch phát, họ lộ nguyên hình. Phía đầu kia họ vung tay chém gió, nếu mà “bung mà toang thì tôi chịu trách nhiệm”, mặt này nhận cả va li tiền ngoại, họ nhẹ tênh: “Tớ cám ơn”.
Hồi nhỏ tôi từng được mẹ dạy rất kỹ, từ cách ngồi ăn. Là ăn thì trông người- chứ chả trông nồi. Không được mút đũa rồi nhúng đũa vào tô canh, gắp thức ăn thì phải để vào bát rồi mới và, không đút trực tiếp vào miệng. Khi gắp thức ăn thì không được chọn. Đặt đũa đúng miếng nào thì gắp miếng ấy.
Giờ, ti vi quảng cáo, đứa bé thèm ăn cứ mút đũa chùn chụt, rồi hai bố con cùng gắp một miếng thịt, 2 đôi đũa chặn nhau như dành ăn thời cụ Kim Lân viết “Vợ nhặt”. Thế nên vào ăn có người cứ hồn nhiên nhúng đũa vào tô canh chung trước khi ăn như một cách “rửa đũa”, thậm chí như một nghi lễ ăn. Chao ơi, chỉ một ứng xử nhỏ thế đủ đánh giá một con người…
Sự ích kỷ, vì mình, nó thể hiện từ những điều nhỏ nhất. Và văn hóa, nó cũng sứt mẻ từ những điều tưởng như bình thường, vô hại như thế…
Văn hóa đang ngày càng biến dạng, tôi dùng từ biến dạng chứ không dùng mất đi, bởi thực tế thì nó không mất, phản văn hóa vẫn là một dạng của văn hóa chứ không phải là mất. Con người ngày càng ích kỷ, tham lam, tàn ác… thì vẫn là một dạng của văn hóa, có điều nó có còn là thứ văn hóa sang trọng như chúng ta vẫn hình dung không lại là điều khác. Nhân danh văn hóa để làm những điều phản văn hóa và nó vẫn được gọi là văn hóa là điều đáng báo động…
Tôi là người luôn xa xót vì sự biến mất hay thay đổi tiêu cực. Tất nhiên, bao giờ cũng thế, sự phát triển luôn tỷ lệ nghịch với văn hóa. Ngay giữa văn minh và văn hóa cũng đã có sự đối nghịch rồi. Chúng ta đang sống giữa thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ, của văn minh, ông Nguyên Ngọc nói Văn hóa là cái phanh là vô cùng chính xác. Và cái phanh thì bao giờ cũng ngược chiều với tốc độ. Vấn đề là, có những cái mất đi do quy luật phát triển, nhưng cũng có nhiều cái mất đi do sự ngu dốt của con người. Điều này mới đau xót. Sự ngu dốt và nhẫn tâm, vô cảm, cả tham lam nữa đang khiến cho văn hóa biến dạng một cách khủng khiếp…
Ở Tây Nguyên và một số vùng có văn hóa thiểu số bản địa chẳng hạn, văn hóa truyền thống đang bị biến dạng đau đớn, những lai căng kệch cỡm đang chiếm chỗ của những nền nã nhân văn của bản sắc…
Nguy hiểm nhất là bây giờ lễ hội đang biến thành chỗ… kinh doanh. Ngày xưa lễ hội là do nhân dân tự làm, giờ lễ hội nếu không phải nhà nước làm thì cũng do một tổ hợp nào đó kinh doanh, và người ta làm lễ hội bằng ý chí, bằng sự hiểu biết nông cạn. Lễ hội khi bị bóc ra khỏi môi trường của nó, nó chỉ còn là văn nghệ quần chúng mà thôi. Trong lễ hội không có diễn viên không có khán giả, mà ai cũng là một phần của lễ hội…
Tôi cho rằng, chúng ta phải biết chấp nhận những cái sẽ mất đi trong tiến trình phát triển, đấy là biện chứng, nhưng như thế không có nghĩa là sổ toẹt tất cả. Tôi nghĩ từng người, từng gia đình, tùy cái phông văn hóa của mình mà hành xử với văn hóa, với phong tục, hay nôm na là với thói quen cổ truyền cho nó phù hợp.
Như người Bắc thích chơi hoa đào ngày tết, nhưng khi vào Nam thì thay nó bằng hoa mai, miễn là cái phong vị tết, không khí tết vẫn có, và trong ký ức từng người thì những gì đã qua bổ trợ cho hiện tại để có một cái tết vừa cổ truyền vừa hợp quy luật phát triển… Và nữa, văn hóa nó chinh phục nhau. Giờ hoa đào, cúc họa mi... đã tràn vào Nam, và ngược lại, mai vàng cũng ra Bắc...