Có bằng chứng cho thấy biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn và vắc-xin vẫn cung cấp khả năng bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhập viện, trang Politico dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết.
Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong tuần này cho thấy biến thể, được xác định lần đầu tiên ở Botswana và Nam Phi vào tháng trước, có thể “né” được vắc-xin. Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện tại hàng chục quốc gia, bao gồm phần lớn các nước EU.
Bây giờ, bằng chứng thực tế từ các bệnh viện của Nam Phi dường như chỉ ra rằng, vắc-xin có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhập viện do Omicron. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla hôm 10/12 cho biết, các báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 70% số người nhập viện là những nguời chưa tiêm chủng.
Có bằng chứng cho thấy rằng, vắc xin mang lại lớp phòng thủ "rất mạnh", giúp ngăn bệnh trở nặng và những người đã tiêm chủng được "bảo vệ tốt hơn nhiều" so với những người chưa tiêm, theo Phaahla.
Mặc dù các ca bệnh đang tăng nhanh hơn bất kỳ làn sóng Covid-19 nào trước đây ở Nam Phi, dữ liệu ban đầu cho thấy tỉ lệ người nhập viện vì bệnh nặng thấp hơn so với các đợt bùng phát trước đó.
“Dữ liệu sơ bộ cho thấy mặc dù tỉ lệ nhập viện ngày càng tăng... nhưng có vẻ như đó hoàn toàn là vấn đề của các con số chứ không phải do bất kỳ mức độ bệnh nghiêm trọng nào do biến thể Omicron gây ra”, ông Phaahla cho biết.
Nhiều người nhập viện vì các bệnh khác cũng vô tình bị lây nhiễm Covid-19 từ các ca dương tính ở viện, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế thừa nhận rằng sẽ mất “vài tuần” để trả lời đầy đủ câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, ngay cả khi biến thể này gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, nhưng việc nó dễ lây truyền hơn nhiều so với các biến thể trước đó vẫn có thể khiến các bệnh viện phải chịu áp lực rất lớn. Mà có khả năng rất cao rằng nó dễ lây truyền hơn nhiều so với các biến thể đã được biết đến của Covid-19.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu, Nam Phi hiện đang chuẩn bị cho đợt triển khai tiêm mũi nhắc lại dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2022.
Biến thể Omicron của COVID-19 có khả năng lây truyền cao gấp 4,2 lần ở giai đoạn đầu so với biến thể Delta.
Theo trang Fortune, Hiroshi Nishiura, giáo sư về khoa học sức khỏe và môi trường tại Đại học Kyoto, người đồng thời là cố vấn cho Bộ Y tế Nhật Bản, đã phân tích dữ liệu bộ gen có sẵn đến ngày 26/11 từ các ca bệnh là người dân ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, và đi đến kết luận trên.
“Biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn và giỏi hơn trong việc né tránh khả năng miễn dịch được xây dựng tự nhiên và thông qua vắc-xin”, Nishiura cho biết trong nghiên cứu của mình, được trình bày tại một cuộc họp gần đây của ban cố vấn của bộ y tế.
Có những lo ngại trên toàn cầu rằng Omicron có thể giáng một đòn mạnh hơn cho thế giới so với thậm chí cả biến thể Delta, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng nó có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng số ca bệnh ở Nam Phi tăng vọt sau sự xuất hiện của biến thể này vẫn chưa khiến các bệnh viện bị quá tải, mang đến một số niềm lạc quan rằng Omicron có thể chỉ gây ra bệnh nhẹ.
Nghiên cứu của Nishiura chưa được bình duyệt và xuất bản trên tạp chí khoa học. Phân tích mới được thực hiện bằng phương pháp tương tự mà ông đã sử dụng trong một nghiên cứu vào tháng 7 do tạp chí y tế Eurosurveillance công bố về dự đoán mức độ thống trị của biến thể Delta trước Thế vận hội Tokyo.
Hàng trăm nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang chạy đua để tìm hiểu về biến thể mới, đây là chủng khác biệt nhất trong số 5 biến thể đáng lo ngại (VOC) được WHO xác định kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Minh Đức (Theo Politico, Reuters, Fortune)