Lần theo dấu vết mảnh vỡ, mục sở thị “nghĩa địa tàu cổ” Bình Sơn

Lần theo dấu vết mảnh vỡ, mục sở thị “nghĩa địa tàu cổ” Bình Sơn

Nguyễn Hưng

Nguyễn Hưng

Chủ nhật, 20/08/2017 19:00

Mới đây, đơn vị thi công nạo vét cảng chuyên dùng Hào Hưng thuộc khu vực cảng Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện một số gốm sứ có niên đại từ thời nhà Minh, cơn sốt cổ vật đang có dấu hiệu ngày một “nóng”.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký công văn hỏa tốc, phê duyệt phương án khai quật khẩn cấp con tàu cổ bị đắm tại vùng biển này. PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại “thánh địa” tàu đắm Bình Sơn để ghi nhận sự việc.

Dấu vết tàu cổ từ những mảnh vỡ

Trước đó, ngày 26 và 27/7/2017, trong quá trình nạo vét luồng lạch làm cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất, công nhân công ty TNHH MTV Hào Hưng, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ, mảnh gỗ nhỏ theo ống hút chảy tràn ra bãi. Sự việc nhanh chóng được báo cáo lên chính quyền địa phương.

Một số cổ vật phát hiện tại vùng biển trên được các công nhân tự nguyện giao nộp cho lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất cũng đã thu giữ và đang bảo quản nhiều mẫu cổ vật phát hiện tại cảng chuyên dùng Hào Hưng.

Kể lại thời điểm phát hiện dấu vết cổ vật, anh Hồ Minh H. (33 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), công nhân công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi cho biết: “Liên tiếp trong 2 ngày, anh em chúng tôi nạo vét bùn, cát để khơi thông luồng lạch, dòng, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu dùng chung cho khu kinh tế Dung Quất thì vô tình phát hiện một số mảnh gốm sứ vỡ.

Ban đầu, không ai chú ý gì nhưng sau đó ngoài số mảnh sành sứ vỡ nát, có một số còn nguyên vẹn được vớt lên từ đáy biển mỗi lúc một nhiều, máy móc thì gặp phải vật cản. Tiến hành kiểm tra chúng tôi phát hiện xác một con tàu, nghi là tàu cổ bị đánh đắm từ hàng trăm năm trước.

Theo ước tính sơ bộ, xác tàu cổ dài từ 20-30m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng hiện vật bằng gốm. Vị trí phát hiện cách bờ từ 6-7m và nằm ở độ sâu 9m tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn”.

Xã hội - Lần theo dấu vết mảnh vỡ, mục sở thị “nghĩa địa tàu cổ” Bình Sơn

Bình Sơn từ lâu vẫn nhức nhối với nạn săn trộm cổ vật dưới lòng biển.

Ngày 18/8, theo thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định phê duyệt phương án khai quật khẩn cấp tàu cổ nghi bị đánh đắm ở vùng biển nói trên.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi là đơn vị chủ trì, lên phương án cho cuộc khai quật. Bên cạnh đó, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với một số đơn vị liên quan thành lập các tổ, ban và tiến hành khai quật. UBND tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ tiến trình khai quật này.

Về phương án tiến hành, cuộc khai quật sẽ được tiến hành tại vùng biển Dung Quất, tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tại vùng biển cách bờ từ 6-7m, có độ sâu khoảng 9m. Các đơn vị khai quật sử dụng thợ lặn mang theo ống thở loại nhỏ, máy quay phim, chụp ảnh xuống vị trí phát hiện; dùng định vị xác định vị trí chính xác của tàu đắm, tiến hành đo vẽ, chụp ảnh hiện trạng.

Bên cạnh đó, đơn vị khai quật cũng xác định phạm vi phân bố của tàu và hiện vật; khoanh vùng không chỉ riêng con tàu mà cả phạm vi rộng lớn xung quanh vì khi chìm, tàu có thể bị nghiêng hay lật, hiện vật sẽ đổ tràn ra xung quanh; thu thập tài liệu khoa học tại vị trí khai quật.

Quá trình khai quật dự kiến diễn ra trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, có thể kéo dài hơn tùy theo điều kiện thời tiết và các yếu tố khách quan khác.

Bí mật trong những con tàu đắm

Cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện dấu vết xác tàu cổ bị đắm tại vùng biển huyện Bình Sơn.

Trước đó, năm 2013 và 2014, dọc bãi biển ở huyện Bình Sơn đã phát hiện rất nhiều xác tàu và các cổ vật gốm sứ khác nhau. Năm 2013, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức khai quật một con tàu cổ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và thu về hàng ngàn hiện vật khác nhau. Đa số các hiện vật thu được đều có niên đại khoảng 700 năm trước và đặc biệt có giá trị về văn hóa.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Ba (76 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), một lão ngư gắn bó cả cuộc đời với vùng biển Quảng Ngãi cho biết: “Thông thường khoảng Rằm tháng 6 (âm lịch) là thời điểm thủy triều rút mạnh nhất trong năm, theo đó lớp cát bị kéo ra xa phát lộ dấu tích các con tàu cổ đã tồn tại ở Bình Sơn hàng thế kỷ nay.

Người ta tin rằng vùng biển này có một “mãnh lực” kỳ lạ khiến rất nhiều con tàu bị đánh đắm dạt vào vùng biển này. Số lượng đích xác bao nhiêu chẳng một ai biết nhưng ai cũng tin rằng vùng biển này ẩn chứa rất nhiều điều kỳ bí chưa lý giải được”.

Xã hội - Lần theo dấu vết mảnh vỡ, mục sở thị “nghĩa địa tàu cổ” Bình Sơn (Hình 2).

"Cổ vật" có niên đại hàng trăm năm mới được phát hiện tại Quảng Ngãi.

“Thời gian qua các nhà khoa học khảo sát 10km² ở eo biển Vũng Tàu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) phát hiện 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ VIII đến XVIII nằm gần bờ”, ông Ba cho biết thêm.

Theo các chuyên gia lịch sử và khảo cổ, nhiều thế kỷ trước, các đoàn tàu của thương gia phương Bắc trên hành trình về phương Nam, mỗi khi gặp gió bão thường ghé vào vùng biển Quảng Ngãi neo đậu, trao đổi mua bán, tiếp tế lương thực, nước ngọt... nhưng điều khó hiểu là rất nhiều xác tàu được phát hiện có dấu hiệu bị cháy trước khi chìm hẳn.

Nhiều khả năng thủy thủ sơ ý gây hỏa hoạn hoặc bị cướp biển tấn công. Ở vùng biển Bình Sơn không chỉ có xã Bình Thuận phát hiện tàu đắm, mà vùng biển xã Bình Châu từ lâu cũng nổi danh là "nghĩa địa tàu cổ đắm".

Phát hiện xác tàu đắm mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung nhưng đối với người dân chài trong vùng lại là “phát súng lệnh” báo hiệu những ngày tháng không yên ả chính thức bắt đầu.

Anh Trần Ngọc Thông, ngư dân xã Bình Châu cho hay: “Năm nào các đối tượng săn lùng cổ vật cũng đến quần thảo khắp vùng biển này để tìm tung tích những chiếc tàu bị đồn là đã bị đánh đắm tại đây. Họ đóng giả là người dân địa phương đi đánh cá, hoặc giả làm “phường” hút cát để lùng sục cổ vật. Vật dụng đánh cá, hút cát chỉ là ngụy trang, trên tàu còn có những thợ lặn chuyên nghiệp, có cả bình dưỡng khí, trông dáng vẻ với cách ăn nói thì là người nơi khác đến”.

“Bình thường giới săn cổ vật sử dụng tàu, thuyền cỡ nhỏ trang bị máy để thổi cát, lặn tìm cổ vật. Nếu gặp lực lượng Bộ đội Biên phòng, họ lập tức cho rút hết ống nước, máy bơm lên khỏi mặt nước, nhổ neo chạy trốn mất dạng”, anh Thông cho biết.

Túc trực 24/24 giờ đảm bảo an ninh

Đại diện bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, sau khi nhận được thông báo phát hiện tàu cổ chở gốm sứ và thu được mảnh ván gỗ tàu cổ tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, đơn vị đã cử cán bộ xác minh.

Theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng số hiện vật gốm sứ này thuộc thời nhà Minh, niên đại thế kỷ XVI, chìm dưới biển sâu 9m. Rất có thể đây là tàu chở cổ vật gốm sứ đi qua vùng biển Quảng Ngãi thì gặp nạn, đắm tại đây. Ngay sau đó, đơn vị đã gửi văn bản báo cáo cơ quan chức năng. Hiện UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng biên phòng, công an khoanh vùng bảo vệ hiện trường trước khi khai quật.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.